Chế độ ăn ketogenic từ lâu đã được coi là một phương pháp ăn kiêng thành công đáng kể trong điều trị chứng động kinh khó chữa và nổi lên trong những năm gần đây như một chiến lược để giảm cân. Chế độ ăn này ngày càng thu hút được sự chú ý nghiên cứu nhanh chóng trong thập kỷ qua, với các bằng chứng mới nổi về tiềm năng điều trị đầy hứa hẹn đối với các bệnh khác nhau, thậm chí là ung thư.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng cách tiếp cận dinh dưỡng này có cơ sở sinh lý và sinh hóa vững chắc và có thể giúp giảm cân hiệu quả cùng với việc cải thiện một số thông số nguy cơ tim mạch. Tuy nhiên, sự an toàn lâu dài của những chế độ ăn kiêng này đang gây tranh cãi, với các dữ liệu báo cáo kết quả trái ngược nhau về ảnh hưởng của chúng đối với nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ung thư và tử vong.
Chế độ ăn ketogenic như thế nào?
Chế độ ăn ketogenic (ketogenic diet- KD) là một chiến lược dinh dưỡng bao gồm chất béo cao, protein vừa phải và lượng carbohydrate thấp (khoảng 30 g carbohydrate (CHO) hàng ngày), trong đó vẫn đáp ứng đủ nhu cầu tổng năng lượng.
Các chất dinh dưỡng đa lượng trong chế độ ăn uống được chia thành khoảng 55% đến 60% chất béo, 30% đến 35% protein và 5% đến 10% carbohydrate. Cụ thể, trong chế độ ăn 2000 kcal mỗi ngày, lượng carbohydrate chiếm khoảng 20 đến 50 gam mỗi ngày.
Phân loại chế độ ăn ketogenic
KD được đặc trưng bởi chế độ ăn giàu chất béo, rất ít carbohydrate (là một dạng chế độ ăn low-carb). Cho đến nay, một số dạng biến đổi KD cho thấy hiệu quả tương tự như dạng ban đầu đã được phát triển và mang lại sự linh hoạt để tăng cường tuân thủ phác đồ.
Có bốn loại KD chính với hiệu quả đã được chứng minh: KD triglyceride chuỗi dài (LCT) cổ điển, KD triglyceride chuỗi trung bình (MCT), chế độ ăn Atkins điều chỉnh (MAD) và phương pháp điều trị chỉ số đường huyết thấp (low glycemic index treatment- LGIT).
Chế độ ăn ketogenic triglyceride chuỗi dài (LCT) cổ điển là loại KD truyền thống nhất, được sử dụng rộng rãi trong môi trường lâm sàng và kết hợp tỷ lệ chất béo (tính bằng gam) với protein cộng với carbohydrate (tính bằng gam) là 4:1. Chất béo cung cấp 90% calo và chủ yếu là LCT có nguồn gốc từ thực phẩm và có thể sử dụng tỷ lệ 3:1 hoặc thấp hơn.
Tỷ lệ thấp thích hợp cho việc bắt đầu KD ở trẻ sơ sinh, trong khi ở trẻ lớn hơn, bắt đầu với tỷ lệ 4:1, sau đó là tỷ lệ giảm dần có thể hiệu quả hơn. Ngoài ra, có bằng chứng cho thấy việc hạn chế calo và chất lỏng là không cần thiết vì không có tác dụng có lợi nào được chứng minh với hai yếu tố này.
Do hạn chế nghiêm trọng về carbohydrate, KD LCT không ngon miệng, khó chuẩn bị và do đó khó duy trì. Năm 1971, chế độ ăn ketogenic acid béo chuỗi trung bình (MCT C6-C12) xuất hiện. Việc sử dụng dầu MCT trong chế độ ăn uống được chấp nhận nhiều hơn và có nhiều ketogenic hơn LCT.
KD MCT có tỷ lệ khẩu phần ăn linh hoạt hơn so với KD LCT và lượng calo nạp vào được tính toán dựa trên phần trăm năng lượng thu được từ MCT. Ngoài ra, có bằng chứng lâm sàng về hiệu quả tương đương của KD MCT và LCT. Tuy nhiên, KD MCT thường liên quan đến các tác dụng phụ về đường tiêu hóa.
MAD dựa trên chế độ ăn Atkins, được sử dụng phổ biến trong việc giảm cân và cách lựa chọn thực phẩm tương tự với chế độ ăn kiêng cổ điển KD, nhưng không cần cân nhắc chính xác các thành phần. MAD không có tỷ lệ ketogenic nghiêm ngặt, tỷ lệ này thường nằm trong khoảng từ 1:1 đến 1,5:1 và đôi khi có thể đạt tới 4:1.
Hơn nữa, MAD không hạn chế về protein, chất lỏng hoặc calo. Lượng carbohydrate trong MAD được giới hạn ở mức 10–15 g/ngày trong tháng đầu tiên và sau đó có thể tăng lên 20 g/ngày. Có bằng chứng lâm sàng ủng hộ hiệu quả của MAD ở trẻ em mắc chứng động kinh khó chữa.
Phương pháp điều trị chỉ số đường huyết thấp dựa trên quan niệm rằng tác dụng bảo vệ của KD phụ thuộc vào mức glucose ổn định, nhưng có phác đồ tự do với thành phần ít carbohydrate để giảm thiểu sự gia tăng đường huyết (chỉ số đường huyết <50), và là một phương pháp điều trị can thiệp chống động kinh hiệu quả ở trẻ em bị động kinh khó chữa.
Mặc dù các bằng chứng cho thấy hiệu quả tương tự của bốn loại KD, vẫn chưa rõ cơ chế hoạt động của các chế độ ăn kiêng này có khác nhau hay không.
Tài liệu tham khảo
[1] H. Zhu và c.s., “Ketogenic diet for human diseases: the underlying mechanisms and potential for clinical implementations”, Signal Transduct Target Ther, vol 7, tr 11, tháng 1 2022, doi: 10.1038/s41392-021-00831-w.
Website: https://inrd.vn/
Fanpage: https://www.facebook.com/inrd2022