Vitamin B12 (hay còn gọi là cobalamin) là một vitamin tan trong nước thiết yếu rất quan trọng với chức năng thần kinh, sản xuất hồng cầu và tổng hợp ADN.
Có nhiều nguy cơ dẫn đến thiếu vitamin B12 trong cơ thể, tuy nhiên hiện nay có rất ít hướng dẫn về sàng lọc người lớn không có triệu chứng hoặc có nguy cơ thấp đối với tình trạng thiếu vitamin B12.
1. VAI TRÒ CỦA VIATMIN B12
Tăng trưởng:
Tham gia phản ứng tổng hợp thymidylate, một thành phần trong phân tử ADN, cung cấp nguyên liệu để tổng hợp ADN, góp phần vào quá trình phân chia tế bào và trưởng thành tế bào trong cơ thể.
Vitamin B12 cần thiết cho ba quá trình chuyển hóa: chuyển đổi homocysteine thành methionine; sự chuyển đổi methylmalonic acid thành succinyl coenzym A; và chuyển đổi 5-methyltetrahydrofolate thành tetrahydrofolate, một quá trình cần thiết để tổng hợp DNA và sản xuất hồng cầu.
Thiếu vitamin B12 cho thấy ảnh hưởng rõ rệt lên những tế bào có sự phân bào nhiều như các tế bào máu, tế bào biểu mô (nhất là ở niêm mạc đường tiêu hóa).
Thần kinh:
B12 tham gia phát triển bao myelin của sợi thần kinh. Khi thiếu vitamin B12, các đầu tận cùng các noron bị rối loạn, gây ra nhiều bệnh về thần kinh như bệnh thần kinh ngoại biên, chứng rối loạn vận động, suy giảm nhận thức, trầm cảm, Alzheimer,…
Tạo máu:
Vitamin B12 tham gia vào quá trình trưởng thành của hồng cầu. Khi thiếu vitamin B12 dẫn đến ức chế tủy xương sinh sản ra các dòng tế bào, mà phổ biến nhất là thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ, ngoài ra còn dẫn đến giảm bạch cầu và tiểu cầu.
2. QUÁ TRÌNH HẤP THỤ VÀ VẬN CHUYỂN VITAMIN B12
Khi thức ăn đi vào trong dạ dày, axit dạ dày giải phóng vitamin B12 từ protein động vật trong thức ăn, sau đó tại tá tràng, nó kết hợp với yếu tố nội tại do tế bào thành dạ dày tạo ra.
Khi đến hồi tràng, phức hợp yếu tố nội tại và vitamin B12 được tiếp nhận bởi các thụ thể nằm trên các tế bào biểu mô ruột, sau đó được hấp thu vào máu ở đoạn cuối hồi tràng nhờ protein vận chuyển transcobalamin II.
3. NGUY CƠ THIẾU VITAMIN B12
Thiếu vitamin B12 có thể do cung cấp thiếu nguồn vitamin B12, giảm hấp thu vitamin B12.
Ăn chay: Nguồn cung cấp vitamin B12 trong chế độ ăn uống chủ yếu là thịt và các sản phẩm từ sữa. Do đó khi ăn chay trường và chế độ ăn chay nghiêm ngặt có thể dẫn đến thiếu vitamin B12.
Người cao tuổi trên 75 tuổi: hấp thu các chất dinh dưỡng kém do sự lão hóa của các cơ quan đường tiêu hóa và thiếu axit clohydric do niêm mạc dạ dày bị teo, ảnh hưởng đến hấp thu vitamin B12.
Nghiện rượu: Tình trạng kém hấp thu xảy ra thường xuyên ở những người nghiện rượu mạn tính. Những người nghiện rượu có thể hấp thụ kém chất béo, nitơ, natri, nước, thiamine, axit folic, vitamin B12 và D-xylose.
Giảm các yếu tố nội tại dạ dày: Viêm dạ dày mạn tính tự miễn, cắt bỏ dạ dày. Viêm dạ dày tự miễn do hệ thống miễn dịch nhắm mục tiêu vào các tế bào thành của dạ dày hoặc chính yếu tố nội tại, dẫn đến giảm hấp thu vitamin B12, do đó dẫn đến thiếu máu ác tính.
Giảm hấp thu tại ruột non: vitamin B12 được hấp thụ tại hồi tràng, những bệnh làm tổn thương niêm mạc hoặc có sự phát triển quá mức của các vi khuẩn cạnh tranh nguồn vitamin B12 như bệnh crohn, cắt bỏ ruột non, hoặc nhiễm giun sán,… làm giảm khả năng hấp thu vitamin B12 tại ruột.
Bất thường về di truyền: thiếu protein vận chuyển transcolabamin II bẩm sinh làm giảm khả năng đưa vitamin B12 vào trong máu.
Sử dụng thuốc: các thuốc làm giảm tiết axit dạ dày điều trị các bệnh viêm loét lâu ngày dẫn đến làm giảm hiệu quả quá trình giải phóng vitamin B12 trong thức ăn.
- Chẹn thụ thể histamine H2 hơn 12 tháng
- Metformin hơn 4 tháng
- Chẹn bơm proton hơn 12 tháng
Tài liệu tham khảo
[1] R. C. Langan và A. J. Goodbred, “Vitamin B12 Deficiency: Recognition and Management”, afp, vol 96, số p.h 6, tr 384–389, tháng 9 2017.
[2] “Vitamin B12 Deficiency | AAFP”. https://www.aafp.org/pubs/afp/issues/2003/0301/p979.html (truy cập 1 Tháng Mười-Một 2022).
[3] “Vegetarer har høj risiko for at få B12-vitaminmangel”, Ugeskriftet.dk. https://ugeskriftet.dk/videnskab/vegetarer-har-hoej-risiko-faa-b12-vitaminmangel (truy cập 1 Tháng Mười-Một 2022).
Tìm hiểu bài viết liên quan: https://inrd.vn/
Fanpage: https://www.facebook.com/inrd2022