SỮA MẸ CHỨA NHỮNG THÀNH PHẦN GÌ?

05/08/2022 - admin

Sữa mẹ là nguồn cung cấp dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo trẻ nên được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.

1.THÀNH PHẦN CỦA SỮA MẸ

Thành phần của sữa mẹ gồm 87% nước, 3,8% chất béo, 1,0% protein và 7% lactose.

1.1. Protein

Protein chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong sữa mẹ nhưng lại rất quan trọng với trẻ.

Có hai loại protein trong sữa mẹ: casein và whey. Tuỳ vào giai đoạn cho con bú, tỷ lệ whey/casein trong sữa mẹ dao động giữa 70/30 và 80/20 trong giai đoạn đầu cho con bú và giảm xuống 50/50 trong giai đoạn cuối của giai đoạn cho con bú. Trong sữa bò, protein whey chỉ chiếm 18% protein sữa. Sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh chứa hàm lượng protein casein cao, khi vào dạ dày kết tủa thành thể tích lớn khó tiêu hoá.

Glutamine là acid amin tự do nhiều nhất trong sữa mẹ. Hàm lượng glutamine trong sữa trưởng thành cao gấp 20 lần trong sữa non. Glutamine cung cấp acid ketoglutaric cho chu trình acid xitric, hoạt động như chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ, đóng vai trò như một cơ chất năng lượng chính cho các tế bào ruột.

Protein whey chính gồm α-lactalbumin, lactaferrin và IgA tiết. Ngoài ra, sữa mẹ còn chứa các protein lysozyme, protein liên kết folate (folate-binding protein), yếu tố bifidus, casein, lipase và amylase,… Hầu hết các protein này có chức năng hoạt tính sinh học và chức năng phi dinh dưỡng. Ví dụ: alpha-lactalbumin cần thiết cho sự tổng hợp lactose và liên kết các ion Ca và Zn. Casein hỗ trợ tạo khối với canxi và phốt pho. Lactoferrin và lysozyme ngăn chặn sự lây lan của các vi khuẩn có khả năng gây bệnh, ngăn ngừa bệnh tật cho trẻ sơ sinh. Kháng thể IgA tiêu diệt vi khuẩn và bảo vệ bề mặt niêm mạc của ruột.

Sữa mẹ chứa những protein nào? Sữa mẹ chứa những protein nào?

1.2. Lipid

Sữa mẹ có các acid amin cần thiết như acid linoleic, acid linolenic cần thiết cho sự phát triển của não, mắt và sự bền vững các mạch máu của trẻ.

Lipid của sữa mẹ dễ tiêu hoá hơn vì có men lipase.

1.3. Lactose

Lactose trong sữa mẹ có nhiều hơn sữa bò, cung cấp thêm nguồn năng lượng. Một số lactose vào ruột chuyển thành acid lactic giúp cho sự hấp thu canxi và muối khoáng.

1.4. Vitamin

Sữa mẹ có nhiều vitamin A hơn sữa bò. Trẻ bú sữa mẹ đề phòng được bệnh khô mắt do thiếu vitamin A.

1.5. Muối khoáng

Canxi trong sữa mẹ ít hơn sữa bò nhưng dễ hấp thụ và thoả mãn nhu cầu cho trẻ.

Sắt trong sữa mẹ hấp thu cao hơn sữa bò. Do đó, trẻ bú sữa mẹ ít bị còi xương và thiếu máu.

2. TẦM QUAN TRỌNG CỦA SỮA MẸ

2.1. Sữa mẹ có chứa chất kháng khuẩn

Một số kháng thể từ người mẹ truyền qua rau đến bào thai giúp cho trẻ có sức đề kháng và miễn dịch một sô bệnh đặc biệt trong 4- 6 tháng đầu trẻ không mắc các bệnh như sởi, cúm, ho gà.

– Sữa mẹ vô khuẩn, vi khuẩn không có điều kiện phát triển nên trẻ ít bị ỉa chảy.

– Globulin miễn dịch IgA: có nhiều trong sữa non và giảm dần trong những tuần sau. IgA tiết thường không hấp thu mà hoạt động tại ruột để chống lại một số vi khuẩn như E.coli và virus.

– Lactoferin: là một protein gắn sắt có tác dụng kìm khuẩn không cho vi khuẩn cần sắt để phát triển.

– Lysozym: có tác dụng diệt khuẩn.

– Tế bào, lympho bào sản xuất IgA tiết và Interferon: ức chế hoạt động của một số virus.

– Yếu tố kích thích sự phát triển vi khuẩn Lactobacillus bifidus:

  • Lactose: một số lactose vào ruột chuyển thành acid lactic, tạo môi trường cho vi khuẩn Bifidus phát triển, lấn át vi khâunr gây bệnh như E.coli.
  • Yếu tố Bifidus: là một carbohydrate có chauws nitrogen cần cho vi khuẩn Lactobifidus vi khuẩn gây bệnh phát triển.

2.2. Sữa mẹ có khả năng chống bệnh dị ứng

Trẻ bú mẹ thường không bị dị ứng, bị eczema như một số trẻ ăn sữa bò vì IgA tiết cùng với đại thực bào có tác dụng chống dị ứng.

2.3. Gắn bó tình cảm mẹ con

Nuôi con bằng sữa mẹ đã giúp cho bà mẹ và trẻ em hình thành mối quan hệ gần gũi yêu thương, trẻ ít quấy khóc. Trẻ bú mẹ thường phát triển trí tuệ thông minh hơn trẻ ăn sữa bò.

2.4. Bảo vệ sức khỏe bà mẹ

– Giúp cho mẹ kế hoạch hoá gia đình.

– Giúp co hồi tử cung tốt nên giảm sự mất máu sau sinh.

– Giảm nguy cơ ung thư tử cung và ung thư vú.

– Giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường,…

Tài liệu tham khảo

  1. Martin CR, Ling PR, Blackburn GL. Review of Infant Feeding: Key Features of Breast Milk and Infant Formula. Nutrients. 2016 May 11;8(5):279.
  2. ea5515.pdf [Internet]. [cited 2022 Nov 14]. Available from: https://apps.who.int/gb/archive/pdf_files/WHA55/ea5515.pdf
  3. Trường Đại học Y Hà Nội (2020). Dinh dưỡng trong điều trị nhi khoa, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.

Tìm hiểu thêm các bài viết liên quan: https://inrd.vn/

Fanpage: https://www.facebook.com/inrd2022

 

Tin mới

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.