VAI TRÒ CỦA CANXI VỚI PHỤ NỮ CÓ THAI

17/01/2023 - Manager Website

Ở người trưởng thành, Canxi là thành phần vô cơ chủ yếu của xương và răng, đảm bảo cho xương và răng chắc khỏe. Canxi còn tham gia vào hoạt động dẫn truyền xung thần kinh, co cơ, đông máu.

1. VAI TRÒ CỦA CANXI TRONG THAI KỲ

Canxi là loại khoáng chất đặc biệt cần chú ý trong thời kỳ mang thai. Canxi của mẹ được chuyển qua nhau thai để khoáng hóa bộ xương của thai nhi. Sự hấp thu canxi của thai nhi được tìm thấy cao nhất ở 3 tháng cuối thai kỳ, từ 250-350 mg/ ngày. [1], [2]

Để đáp ứng với nhu cầu đó, sự hấp thụ canxi từ chế độ ăn của mẹ tăng lên và sử dụng canxi hiệu quả hơn trong thời kỳ mang thai thông qua các đáp ứng sinh lý tự nhiên, bao gồm tăng hấp thu canxi được kích thích bởi các hormone (vitamin D, estrogen, lactogen và prolactin) và tăng cường khả năng giữ canxi qua ống thận. Người ta nhận thấy sự hấp thụ canxi của mẹ tăng lên từ tháng thứ 4 và tăng càng nhiều khi người mẹ đó có chế độ ăn thiếu canxi.

2. HẬU QUẢ THIẾU CANXI TRONG THAI KỲ

Khi phụ nữ có thai không đáp ứng đủ nhu cầu canxi, sẽ có nguy cơ:

Loãng xương:

Khi lượng canxi chuyển cho thai nhi không đủ, canxi của mẹ sẽ được huy động làm làm thay đổi tình trạng xương của mẹ, điều này có thể làm tăng nguy cơ gãy xương do giảm mật độ khoáng xương. Các biểu hiện của loãng xương liên quan đến mang thai bao gồm đau thắt lưng hoặc đau hông dữ dội trong ba tháng cuối của thai kỳ và thời kỳ sau sinh, và một số bệnh nhân có biểu hiện giảm chiều cao và xương dễ gãy [3], [4].

Co cứng cơ:

Các cơn co giật tetani là biểu hiện cấp tính do kích thích thần kinh cơ khi nồng độ canxi máu của người mẹ hạ thấp. Một số trường hợp có kèm với co thắt cơ trơn gây nên tình trạng khó thở do co thắt khí quản hay đau bụng do co thắt cơ trơn ở ruột. [5]

Thai chậm phát triển:

Các nghiên cứu quan sát đánh giá chế độ ăn của bà mẹ đã phát hiện ra mối quan hệ tích cực giữa lượng canxi trong chế độ ăn của bà mẹ và kết quả xương của con cái ở cả giai đoạn bào thai và sau này. [6], [7]

Đo chiều dài xương đùi của thai nhi bằng siêu âm đã được sử dụng như một phương pháp để đánh giá sự phát triển xương của thai nhi. Năm 2003, tác giả Chang và cộng sự đã đánh giá lượng sữa ăn vào ở 350 trẻ vị thành niên người Mỹ gốc Phi đang mang thai và đo chiều dài xương đùi của thai nhi ở tuần thai thứ 20 và 34 cho thấy sử dụng sữa có tác động tích cực đáng kể đến sự phát triển xương đùi của thai nhi và chiều dài xương đùi của thai nhi thấp hơn đáng kể ở nhóm sử dụng ít sữa nhất (<2 khẩu phần/ngày) so với nhóm sử dụng nhiều sữa nhất ( 3 khẩu phần/ngày).[8]

Một nghiên cứu dọc theo dõi 198 cặp mẹ – con từ 15 tuần tuổi thai đến 9 tuổi. Chế độ ăn của bà mẹ được phân loại và đánh giá trong thời kỳ mang thai. Một mối tương quan tích cực được tìm thấy giữa những phụ nữ tiêu thụ lượng canxi cao hơn trong thời kỳ mang thai và diện tích xương toàn bộ cơ thể của trẻ, mật độ khoáng xương và xương vùng ở 9 tuổi, thể hiện sự ảnh hưởng tiềm tàng của dinh dưỡng mẹ đối với sự phát triển xương sau này của trẻ.[7]

Tăng huyết áp, tiền sản giật:

Một báo cáo năm 2013 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kết hợp dữ liệu từ hai tổng quan Cochrane tổng cộng 21 thử nghiệm và hơn 90.000 phụ nữ. Kết quả cho thấy việc bổ sung canxi làm giảm hơn 50% nguy cơ tiền sản giật ở tất cả phụ nữ, ở cả những người có lượng canxi bình thường hay có nguy cơ tăng huyết áp. [9]–[11]

Lượng canxi thấp được cho là nguyên nhân gây tăng huyết áp do kích thích giải phóng hormone tuyến cận giáp và/hoặc renin dẫn đến tăng nồng độ canxi nội bào trong tế bào cơ trơn mạch máu và gây co mạch. Vai trò của bổ sung canxi trong việc giảm rối loạn tăng huyết áp trong thai kỳ có thể được giải thích bằng cách giảm giải phóng canxi tuyến cận giáp và nồng độ canxi nội bào, do đó làm giảm co bóp cơ trơn và làm giãn mạch. [12]

Sinh non:

Bổ sung canxi đã cho thấy hiệu quả trong việc giảm nguy cơ sinh non ở những phụ nữ có lượng canxi hấp thụ thấp bằng cách giảm sự co bóp của cơ trơn tử cung trực tiếp và gián tiếp bằng cách tăng mức magiê. Ở những phụ nữ mang thai thường xuyên tiêu thụ dưới 600 mg canxi mỗi ngày và được bổ sung thêm canxi (1.500 mg / ngày), nguy cơ sinh non, tỷ lệ mắc bệnh ở mẹ và chỉ số tử vong sơ sinh đã được quan sát thấy [13]. Tổng quan Cochrane đã đề cập trước đây báo cáo rằng những phụ nữ thường xuyên tiêu thụ ít canxi nhưng bổ sung 1.000 mg canxi mỗi ngày cũng giảm được 24% nguy cơ sinh non. [6] [9]

Hậu quả thiếu canxi trong thai kỳ
Hậu quả thiếu canxi trong thai kỳ

3. CÁC KHUYẾN NGHỊ BỔ SUNG CANXI

Đối tượng bổ sung:

Canxi không được khuyến cáo bổ sung thường xuyên ngoại trừ những phụ nữ có nguy cơ cao như: [14]  

  • Phụ nữ có thai ở các nước đang phát triển,
  • Phụ nữ có thai dưới 18 tuổi, 
  • Phụ nữ có nguy cơ tiền sản giật cao,
  • Phụ nữ có thai ăn uống kém, không đáp ứng đủ nhu cầu canxi qua chế độ ăn ( dưới 600mg/ngày)

Liều khuyến nghị:

Tổ chức Y tế Thế giới 2013 khuyến nghị cho phụ nữ mang thai [11]: 

  • Bổ sung liều 1.5 – 2.0g nguyên tố canxi mỗi ngày (1g nguyên tố tương đương với 2.5g canxi cacbonat hoặc 4g canxi citrate)
  • Bổ sung hàng ngày, chia làm 3 liều (tốt nhất là trong lúc ăn)
  • Thời gian bổ sung bắt đầu từ tuần thứ 20 thai kỳ đến hết thai kỳ
  • Khuyến nghị cho tất cả phụ nữ có thai, đặc biệt ở nhóm có nguy cơ tăng huyết áp thai kỳ.

Tại Việt Nam, Viện Dinh dưỡng Quốc gia đưa ra mức khuyến nghị canxi cho phụ nữ có thai là 1200 mg/ngày [15].

Khuyến nghị bổ sung canxi cho phụ nữ có thai là 1200mg/ ngày
Khuyến nghị canxi cho phụ nữ có thai là 1200mg/ ngày

Liều giới hạn cho phép:

Trong tất cả các trường hợp, chế độ ăn uống và bổ sung dược lý không được cung cấp quá 2500 mg canxi mỗi ngày, vì nếu dư thừa có thể gây tăng canxi huyết, vôi hóa mạch máu, sỏi thận, nhiễm kiềm và suy thận. [16]

Tài liệu tham khảo

[1] S. Ryan, P. J. Congdon, J. James, J. Truscott, và A. Horsman, “Mineral accretion in the human fetus”, Arch Dis Child, vol 63, số p.h 7, tr 799–808, tháng 7 1988, doi: 10.1136/adc.63.7.799.

[2] C. S. Kovacs và H. M. Kronenberg, “Maternal-fetal calcium and bone metabolism during pregnancy, puerperium, and lactation”, Endocr Rev, vol 18, số p.h 6, tr 832–872, tháng 12 1997, doi: 10.1210/edrv.18.6.0319.

[3] U. K. Møller, S. Við Streym, L. Mosekilde, và L. Rejnmark, “Changes in bone mineral density and body composition during pregnancy and postpartum. A controlled cohort study”, Osteoporos Int, vol 23, số p.h 4, tr 1213–1223, tháng 4 2012, doi: 10.1007/s00198-011-1654-6.

[4] Z. Jun Jie, G. Ai, W. Baojun, và Z. Liang, “Intertrochanteric fracture in pregnancy- and lactation-associated osteoporosis”, J Int Med Res, vol 48, số p.h 2, tr 0300060519858013, tháng 7 2019, doi: 10.1177/0300060519858013.

[5] A. Almaghamsi, M. H. Almalki, và B. M. Buhary, “Hypocalcemia in Pregnancy: A Clinical Review Update”, Oman Med J, vol 33, số p.h 6, tr 453–462, tháng 11 2018, doi: 10.5001/omj.2018.85.

[6] A. N. Hacker, E. B. Fung, và J. C. King, “Role of calcium during pregnancy: maternal and fetal needs”, Nutrition Reviews, vol 70, số p.h 7, tr 397–409, tháng 7 2012, doi: 10.1111/j.1753-4887.2012.00491.x.

[7] Z. A. Cole và c.s., “Maternal dietary patterns during pregnancy and childhood bone mass: a longitudinal study”, J Bone Miner Res, vol 24, số p.h 4, tr 663–668, tháng 4 2009, doi: 10.1359/jbmr.081212.

[8] S.-C. Chang, K. O. O’Brien, M. S. Nathanson, L. E. Caulfield, J. Mancini, và F. R. Witter, “Fetal femur length is influenced by maternal dairy intake in pregnant African American adolescents”, Am J Clin Nutr, vol 77, số p.h 5, tr 1248–1254, tháng 5 2003, doi: 10.1093/ajcn/77.5.1248.

[9] G. J. Hofmeyr, T. A. Lawrie, Á. N. Atallah, và M. R. Torloni, “Calcium supplementation during pregnancy for preventing hypertensive disorders and related problems”, Cochrane Database Syst Rev, vol 2018, số p.h 10, tr CD001059, tháng 10 2018, doi: 10.1002/14651858.CD001059.pub5.

[10] P. Buppasiri, P. Lumbiganon, J. Thinkhamrop, C. Ngamjarus, M. Laopaiboon, và N. Medley, “Calcium supplementation (other than for preventing or treating hypertension) for improving pregnancy and infant outcomes”, Cochrane Database Syst Rev, số p.h 2, tr CD007079, tháng 2 2015, doi: 10.1002/14651858.CD007079.pub3.

[11] World Health Organization, Guideline: calcium supplementation in pregnant women. World Health Organization, 2013. Truy cập: 14 Tháng Chín 2022. [Online]. Available at: https://apps.who.int/iris/handle/10665/85120

[12] A. Imdad, A. Jabeen, và Z. A. Bhutta, “Role of calcium supplementation during pregnancy in reducing risk of developing gestational hypertensive disorders: a meta-analysis of studies from developing countries”, BMC Public Health, vol 11, số p.h Suppl 3, tr S18, tháng 4 2011, doi: 10.1186/1471-2458-11-S3-S18.

[13] J. Villar và c.s., “World Health Organization randomized trial of calcium supplementation among low calcium intake pregnant women”, Am J Obstet Gynecol, vol 194, số p.h 3, tr 639–649, tháng 3 2006, doi: 10.1016/j.ajog.2006.01.068.

[14] S. Santander Ballestín, M. I. Giménez Campos, J. Ballestín Ballestín, và M. J. Luesma Bartolomé, “Is Supplementation with Micronutrients Still Necessary during Pregnancy? A Review”, Nutrients, vol 13, số p.h 9, tr 3134, tháng 9 2021, doi: 10.3390/nu13093134.

[15] Lê Danh Tuyên, Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam. Viện Dinh dưỡng Quốc Gia, 2016.

[16] I. of M. (US) C. to R. D. R. I. for V. D. and Calcium, A. C. Ross, C. L. Taylor, A. L. Yaktine, và H. B. D. Valle, Tolerable Upper Intake Levels: Calcium and Vitamin D. National Academies Press (US), 2011. Truy cập: 15 Tháng Chín 2022. [Online]. Available at: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK56058/

Tìm hiểu bài viết liên quan: https://inrd.vn/

Fanpage: https://www.facebook.com/inrd2022

Tin mới

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.