VAI TRÒ CỦA OMEGA-3 TRONG THAI KỲ

11/02/2023 - Manager Website

Omega-3 là chất béo không bão hòa đa (polyunsaturated fatty acids- PUFAs) thiết yếu mà cơ thể không thể tự tổng hợp được.

Các acid béo này, đặc biệt là DHA và EPA liên quan đến sức khỏe con người trong tất cả các giai đoạn của cuộc đời, từ sự phát triển của bào thai đến quá trình lão hóa sinh lý. Omega-3 tham gia, tác động lên nhiều hoạt động sống quan trọng của cơ thể và ảnh hưởng đến nhiều hệ cơ quan như tim mạch, tuần hoàn, thần kinh, giác quan, xương khớp,… Sự đầy đủ của các Omega-3 chuỗi dài đặc biệt quan trọng đến quá trình tạo myelin và phát triển thị lực trong quá trình mang thai và chức năng não bộ, nhận thức của trẻ sau này.

1.TỔNG QUAN VỀ OMEGA-3

1.1 Cấu trúc của omega-3

Omega-3 là nhóm chất béo không bão hòa chứa nhiều nối đôi, đặc trưng bởi các chuỗi carbon dài chứa các axit béo với nhóm cacboxyl ở một đầu và một nhóm metyl ở đầu kia của chuỗi. Omega-3 chỉ vị trí liên kết đôi đầu tiên nằm ở đuôi carbon số 3.

Omega-3 có ở cả động vật và thực vật tồn tại ở 3 dạng chính là: DHA (acid docosahexaenoic), EPA (acid eicosapentaenoic), ALA (acid alpha linolenic). Trong đó DHA và EPA là hai omega-3 chuỗi dài (long chain polyunsaturated fatty acids- LCPUFAs), có nhiều trong dầu cá và tảo. ALA là omega-3 chuỗi ngắn, có nhiều ở thực vật và khi đi vào trong cơ thể được chuyển hóa thành DHA.

1.2 Vai trò của omega-3

Chức năng thị giác:

DHA, một loại omega-3, là thành phần cấu trúc chính của não và võng mạc. Hơn 50% võng mạc được tạo thành từ DHA. Sự thiếu hụt omega 3 có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa điểm vàng, một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa. Quá trình xử lý thị giác và chức năng tối ưu của võng mạc phụ thuộc vào hàm lượng DHA để duy trì tính lưu động và tính thấm của màng. Nồng độ cao nhất được tìm thấy trong các tế bào cảm thụ ánh sáng, giúp chuyển đổi ánh sáng thành các tín hiệu thần kinh để hiểu được những gì mắt đang nhìn thấy.

Chức năng não bộ:

DHA là axit béo chủ yếu trong thần kinh trung ương và đóng một vai trò cấu trúc trong não. Ngăn chặn quá trình chết tế bào thần kinh gây ra bởi các oligomer amyloid-beta hòa tan và làm giảm sự xuất hiện của bệnh Alzheimer ở người cao tuổi. EPA rất quan trọng để duy trì chức năng não và tế bào tín hiệu. Thiếu DHA có thể làm tăng khả năng teo tế bào thần kinh dễ bị tổn thương. EPA có thể làm giảm đáng kể các triệu chứng của bệnh trầm cảm và giúp cân bằng cảm xúc.

Chức năng cơ xương khớp: cải thiện bệnh viêm khớp dạng thấp bằng cách:

  • Giảm các cytokine tiền viêm và ức chế sự hoạt hóa của các tế bào lympho T và các enzym dị hóa.
  • Ức chế sự tăng sinh của các tế bào hoạt dịch và giảm sự tăng sản hoạt dịch.
  • Giảm sự hao mòn cơ liên quan đến bệnh viêm khớp dạng thấp.

Chức năng tim mạch:

EPA làm giảm đáng kể nồng độ triglycerid huyết tương và có thể làm tăng nồng độ của HDL (chất béo tốt). DHA làm giảm huyết áp lưu động và nhịp tim ở người tăng lipid máu nhẹ. Omega-3 có tác dụng tốt trong phòng chứng loạn nhịp tim, rung tâm thất, huyết khối và điều chỉnh phần nào huyết áp trong tăng huyết áp. ALA có nguồn gốc từ thực vật cũng làm giảm nguy cơ tử vong do các bệnh tim mạch lên tới 50%.

Vai trò của omega3
Vai trò của omega3

2. VAI TRÒ CỦA OMEGA-3 TRONG GIAI ĐOẠN MANG THAI

2.1 Giảm nguy cơ sinh non

Sinh non (trẻ sinh trước 37 tuần thai) là nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật hoặc tử vong trong năm năm đầu đời. Cá và dầu cá chứa omega-3 LCPUFA (đặc biệt là DHA và EPA) được nhận thấy là có liên quan đến việc mang thai lâu hơn. Vì vậy, người ta cho rằng bổ sung omega-3 LCPUFAs trong thai kỳ có thể làm giảm số trẻ sinh non và có thể cải thiện kết quả cho trẻ em và bà mẹ.

Omega-3 giúp giảm nguy cơ sinh non
Omega-3 giúp giảm nguy cơ sinh non

Nhiều bằng chứng cho thấy tỷ lệ sinh non muộn dưới 37 tuần và sinh non sớm dưới 34 tuần ở những người phụ nữ được nhận LCPUFA thấp hơn so với phụ nữ không bổ sung LCPUFA. Từ đó omega-3 có thể làm giảm nguy cơ tử vong chu sinh và cân nặng sơ sinh thấp.

2.2 Phát triển nhận thức ở trẻ

Trong quá trình phát triển của bào thai và trẻ sơ sinh, màng võng mạc và chất xám của não trở nên giàu DHA. Trong não, DHA đóng nhiều vai trò quan trọng, bao gồm truyền tín hiệu tế bào, điều hòa biểu hiện gen và dẫn truyền thần kinh.

Trong 3 tháng cuối thai kỳ, DHA tích lũy có chọn lọc trong não với tỷ lệ cao hơn các axid béo khác. Sự tích lũy DHA này tiếp tục với tỷ lệ cao cho đến khi 2 tuổi. Hai năm đầu đời là giai đoạn phát triển thần kinh thiết yếu của trẻ. Lợi ích của việc bổ sung axid béo omega-3 trong thời kỳ mang thai đã được ghi nhận rõ ràng ở trẻ sơ sinh và sự phát triển của trẻ trong tương lai.

Một số nghiên cứu bổ sung DHA trong giai đoạn thai kỳ cho thấy cải thiện khả năng giải quyết vấn đề, phối hợp tay và mắt ở trẻ, mức độ chú ý cao hơn so với nhóm không được bổ sung.Sự thiếu hụt omega-3 PUFAs đã được báo cáo ở nhiều loại rối loạn tâm thần, bao gồm rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), trầm cảm, tâm thần phân liệt (SCZ) và rối loạn phổ tự kỷ (ASD).

Giảm lượng omega-3 đầu đời có thể gây ra các bất thường tâm thần riêng biệt trong giai đoạn thanh thiếu niên, biểu hiện như rối loạn giao tiếp, hành vi và trí nhớ. Omega-3 PUFA rất cần thiết để ngăn ngừa các rối loạn hành vi và thoái hóa thần kinh sau này trong cuộc sống.

Omega3 giúp phát triển nhận thức của trẻ
Omega-3 giúp phát triển nhận thức của trẻ

Sự thiếu hụt DHA trong thời kỳ chu sinh được chứng minh là có liên quan đến việc giảm hình thành thần kinh và chậm di chuyển tế bào thần kinh. Trên thực tế, phụ nữ có lượng PUFA hấp thụ cao hơn trước và trong khi mang thai giảm nguy cơ sinh con bị ASD so với những người có lượng PUFA thấp hơn. Omega-3 PUFA được khuyến khích tiêu thụ trong tuần cuối của thai kỳ và tháng đầu tiên sau khi sinh để phát triển trí não; bổ sung PUFA omega-3, đặc biệt là trong thời kỳ mang thai và cho con bú, có thể giúp ngăn ngừa ASD ở trẻ em có nguy cơ mắc bệnh.

Tài liệu tham khảo

[1] P. P. Devarshi, R. W. Grant, C. J. Ikonte, và S. Hazels Mitmesser, “Maternal Omega-3 Nutrition, Placental Transfer and Fetal Brain Development in Gestational Diabetes and Preeclampsia”, Nutrients, vol 11, số p.h 5, tr 1107, tháng 5 2019, doi: 10.3390/nu11051107.

[2] A. Veselinović và c.s., “Neuroinflammation in Autism and Supplementation Based on Omega-3 Polyunsaturated Fatty Acids: A Narrative Review”, Medicina (Kaunas), vol 57, số p.h 9, tr 893, tháng 8 2021, doi: 10.3390/medicina57090893.

[3] P. Middleton, J. C. Gomersall, J. F. Gould, E. Shepherd, S. F. Olsen, và M. Makrides, “Omega‐3 fatty acid addition during pregnancy”, Cochrane Database Syst Rev, vol 2018, số p.h 11, tr CD003402, tháng 11 2018, doi: 10.1002/14651858.CD003402.pub3.

[4] D. Swanson, R. Block, và S. A. Mousa, “Omega-3 Fatty Acids EPA and DHA: Health Benefits Throughout Life1”, Adv Nutr, vol 3, số p.h 1, tr 1–7, tháng 1 2012, doi: 10.3945/an.111.000893.

Tìm hiểu bài viết liên quan: https://inrd.vn/

Fanpage: https://www.facebook.com/inrd2022

Tin mới

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.