Sinh non là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ sơ sinh trên toàn thế giới trong ít nhất một thập kỷ, nhưng hiện nay cũng đã trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em cho đến 5 tuổi. Trẻ sinh không đủ tháng gặp những bất lợi về sự phát triển sinh lý, nhận thức và có nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa cao hơn trẻ sinh đủ tháng.
Sắt là nguyên tố vi lượng thiết yếu và quan trọng cho sự phát triển và sinh lý bình thường của trẻ, đặc biệt là ở trẻ sinh non có nguy cơ thiếu sắt cao. Trẻ sinh non có nguy cơ cạn kiệt lượng sắt dự trữ trong cơ thể sớm hơn nhiều so với trẻ sinh đủ tháng khỏe mạnh.
Việc bổ sung sắt qua đường ruột cho trẻ sinh non và nhẹ cân để ngăn ngừa thiếu máu do thiếu sắt đã được phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên trẻ sinh non có cân nặng sơ sinh thấp và rất thấp cần truyền hồng cầu làm tăng nguy cơ ứ sắt khi khả năng chống oxy hóa suy giảm.
1.TỔNG QUAN VỀ TRẺ SINH NON
1.1 ĐỊNH NGHĨA
– Trẻ sinh non là những trẻ sinh ra trước 37 tuần tuổi, có thể sống được.
– Trẻ sinh rất non là trẻ được sinh ra trước 32 tuần tuổi.
– Trẻ sinh cực non là những trẻ sinh ra trước 28 tuần tuổi.
– Trẻ sơ sinh có thể sống được là tất cả trẻ sinh ra sống có tuổi thai từ 22 tuần hoặc cân nặng từ 500g.
1.2 DINH DƯỠNG Ở TRẺ SINH NON
Nhiều quá trình hấp thu, chuyển hóa, dự trữ và tăng trưởng quan trọng diễn ra trong 3 tháng cuối của thai kì, do đó khi trẻ được sinh ra sớm hơn có thể dẫn đến thiếu hụt các chất dinh dưỡng, cân nặng sơ sinh thấp và ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ.
Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ sinh non cao hơn so với trẻ đủ tháng do khả năng dự trữ các chất thấp, hấp thu các chất kém và trẻ sinh non có giai đoạn tăng trưởng nhanh sau sinh.
Đến 34 tuần tuổi thai, trẻ sinh non có hoạt động đường tiêu hóa chỉ bằng 30% trẻ đủ tháng. Sữa mẹ từ mẹ của trẻ sinh non là lựa chọn nuôi dưỡng ống thông tối ưu nhất do khả năng dung nạp tốt và các thành phần dinh dưỡng, miễn dịch và kháng khuẩn, hormone và enzyme.
Tuy nhiên giá trị dinh dưỡng trong sữa mẹ không đủ để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của trẻ sinh non tháng do trẻ sinh non có nhu cầu cao hơn trẻ đủ tháng. Sữa mẹ cung cấp protein, canxi, phosphor, magie, natri, đồng, kẽm, acid folic và vitamin B2, vitamin B6, C, D, E, K không đủ cho trẻ sinh non. Do đó cần bổ sung dinh dưỡng cho trẻ sinh non ngoài sữa mẹ.
2. BỔ SUNG SẮT Ở TRẺ SINH NON
2.1 VAI TRÒ CỦA SẮT
Sắt là một vi chất dinh dưỡng thiết yếu đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển sớm, tham gia vào quá trình tổng hợp hemoglobin, cung cấp oxy, chuyển điện tử, chuyển hóa năng lượng và biệt hóa tế bào. Ngày nay, có bằng chứng nhất quán về mối quan hệ giữa việc cung cấp sắt trong tử cung với các kết quả nhận thức và hành vi thần kinh sau đó.
Sắt ảnh hưởng đến các chức năng của não vì một số enzym phụ thuộc sắt rất cần thiết cho quá trình tổng hợp chất dẫn truyền thần kinh, tạo myelin, hình thành khớp thần kinh, biểu hiện gen và sản xuất năng lượng tế bào thần kinh.
2.2 THIẾU HỤT SẮT Ở TRẺ SINH NON
Trẻ sinh non có nguy cơ cạn kiệt lượng sắt dự trữ trong cơ thể sớm hơn nhiều so với trẻ sinh đủ tháng khỏe mạnh. Hầu hết các kho dự trữ sắt của trẻ sơ sinh đủ tháng khỏe mạnh đã được hình thành trong tam cá nguyệt thứ ba. Do đó, việc thu nhận dự trữ sắt quan trọng này bị giảm ở trẻ sinh non.
Trẻ sinh non có nhu cầu về sắt cao hơn do tốc độ tăng trưởng sau sinh nhanh hơn so với trẻ sinh đủ tháng. Lượng sắt dự trữ giảm trong ba tháng đầu sau sinh làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu sắt trong cơ thể của trẻ sinh non.
Dự trữ sắt thấp và nhu cầu sắt tăng lên giải thích tại sao trẻ sinh non có nguy cơ mắc thiếu sắt/thiếu máu do thiếu sắt cao và cần bổ sung sắt. Người ta ước tính rằng từ 25% đến 85% trẻ sinh non bị thiếu sắt, thường xảy ra trong sáu tháng đầu đời.
Ở trẻ sinh non, thiếu sắt có thể ảnh hưởng đến phần lớn các cơ quan, gây tăng trưởng kém, nhiệt độ không ổn định, rối loạn chức năng tuyến giáp, giảm đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào và suy giảm tổng hợp DNA và collagen, xuất hiện trước khi thiếu máu vi mô và giảm huyết sắc tố. Tuy nhiên, mối quan tâm chính là tác động của ID đối với sự phát triển của não bộ
Việc bổ sung sắt qua đường ruột cho trẻ sinh non và nhẹ cân để ngăn ngừa thiếu máu do thiếu sắt đã được phổ biến rộng rãi.
2.3 THỪA SẮT Ở TRẺ SINH NON
Sinh non ảnh hưởng đến cân bằng nội môi sắt. Trẻ sinh non dễ bị stress oxy hóa do ứ sắt không gắn với transferrin (non-transferrin-bound iron- NTBI) có nguyên nhân từ hệ thống chống oxy hóa chưa trưởng thành và độ bão hòa transferrin cao. NTBI có thể bắt nguồn từ việc bổ sung sắt liều cao từ dinh dưỡng tĩnh mạch hoặc đường miệng và truyền hồng cầu lặp lại.
Sắt dư thừa không thể được loại bỏ bằng con đường sinh lý có thể tích tụ và tạo ra các gốc tự do dẫn đến nhiễm độc tế bào. Phản ứng độc hại tương tự có thể được tạo ra khi sắt bị tách vị trí khỏi protein liên kết của nó, vì nó xảy ra trong tình trạng thiếu oxy. Những biến chứng của stress oxy hóa thường phát triển ở những trẻ sinh non là loạn sản phế quản phổi (BPD), bệnh võng mạc ở trẻ sinh non ( ROP), viêm ruột hoại tử (NEC), xuất huyết não thất (IVH),…
2.4 CÁCH BỔ SUNG SẮT CHO TRẺ SINH NON
Thời điểm và thời gian bổ sung: Nên bổ sung sắt ít nhất đến sáu tháng tuổi khi bắt đầu cai sữa bằng thức ăn giàu sắt. Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kì (AAP) khuyến cáo nên kéo dài thời gian bổ sung sắt cho đến hết năm đầu đời.
Đường bổ sung: Bổ sung đường tiêu hóa là cách sử dụng sắt ưu tiên. Nó có thể được cung cấp thông qua sữa mẹ bổ sung sắt, sữa công thức bổ sung sắt, hoặc sắt nguyên tố y học, ở dạng sắt sulfat hoặc fumarate sắt. Tuy nhiên sắt được bổ sung bằng đường miệng có thể hấp thu kém ở trẻ sơ sinh do các tế bào ruột chưa trưởng thành.
Nhu cầu: Hiệp hội Tiêu hóa, Gan mật và Dinh dưỡng Nhi khoa Châu u (ESPGHAN) khuyến nghị lượng sắt nguyên tố từ 1–2 mg/kg/ngày cho tất cả trẻ sinh non có trọng lượng sơ sinh dưới 2500g và từ 2–3 mg/kg/ngày đối với những người có trọng lượng dưới 2000 g. Tương tự, Ủy ban Dinh dưỡng của AAP đề nghị bổ sung sắt hàng ngày là 2 mg/kg cho tất cả trẻ sinh non bú sữa mẹ. Nên tránh dùng liều sắt qua đường ruột > 5 mg/kg/ngày ở những bệnh nhân này.
Tài liệu tham khảo
[1] R. Rao và M. K. Georgieff, “Iron Therapy for Preterm Infants”, Clin Perinatol, vol 36, số p.h 1, tr 27–42, tháng 3 2009, doi: 10.1016/j.clp.2008.09.013.
[2] G. Raffaeli, F. Manzoni, V. Cortesi, G. Cavallaro, F. Mosca, và S. Ghirardello, “Iron Homeostasis Disruption and Oxidative Stress in Preterm Newborns”, Nutrients, vol 12, số p.h 6, tr 1554, tháng 5 2020, doi: 10.3390/nu12061554.
[3] A. Lapillonne và c.s., “Feeding the Late and Moderately Preterm Infant: A Position Paper of the European Society for Paediatric Gastroenterology, Hepatology and Nutrition Committee on Nutrition”, J Pediatr Gastroenterol Nutr, vol 69, số p.h 2, tr 259–270, tháng 8 2019, doi: 10.1097/MPG.0000000000002397.
[4] “American Academy of Pediatrics. Nutrition Committee of the Canadian Paediatric Society and the Committee on Nutrition of the American Academy of Pediatrics. Breast-feeding. A commentary in celebration of the International Year of the Child, 1979”, Pediatrics, vol 62, số p.h 4, tr 591–601, tháng 10 1978.
Website: https://inrd.vn/
Fanpage: https://www.facebook.com/inrd2022