CHẾ ĐỘ ĂN DASH CHO SỨC KHỎE TIM MẠCH

02/11/2023 - Manager Website

Hội chứng chuyển hóa là một nhóm các rối loạn chi phối bởi béo bụng, tăng triacylglycerol máu, HDL-cholesterol thấp, huyết áp cao và glucose lúc đói cao. Thay đổi chế độ ăn uống là một cách an toàn và hiệu quả để điều trị hội chứng chuyển hóa. 

Chế độ ăn DASH (Dietary Approaches to Stop Hypertension), được thử nghiệm lần đầu tiên ở Hoa Kỳ và đã được các nghiên cứu chứng minh là có tác dụng giảm huyết áp tâm thu và huyết tâm tâm trương ở cả những người có hoặc không có tăng huyết áp. Ngoài giảm huyết áp, DASH cũng làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và các rối loạn chuyển hóa.

1. LỢI ÍCH CỦA CHẾ ĐỘ ĂN DASH

1.1 GIẢM HUYẾT ÁP

Chế độ ăn kiêng DASH được thiết kế để tăng các chất dinh dưỡng được coi là có lợi cho huyết áp (tức là canxi, kali, magiê, protein và chất xơ), và hạn chế các chất dinh dưỡng được cho là ảnh hưởng tiêu cực đến huyết áp (tức là natri và bão hòa chất béo). Thử nghiệm DASH ban đầu không đề cập đến ảnh hưởng của lượng natri ăn vào đối với huyết áp, tuy nhiên với các bằng chứng rõ ràng cho thấy việc giảm lượng natri ăn vào có thể làm giảm huyết áp, dẫn đến các khuyến nghị kết hợp chế độ ăn DASH với lượng natri thấp nhất (1200 mg/ngày) và vận động thể lực phù hợp cho lợi ích giảm huyết áp cao nhất.

Chế độ ăn kiêng DASH được thiết kế để tăng các chất dinh dưỡng được coi là có lợi cho huyết áp và hạn chế các chất dinh dưỡng được cho là ảnh hưởng tiêu cực đến huyết áp
Chế độ ăn kiêng DASH được thiết kế để tăng các chất dinh dưỡng được coi là có lợi cho huyết áp và hạn chế các chất dinh dưỡng được cho là ảnh hưởng tiêu cực đến huyết áp

1.2 GIẢM NGUY CƠ CÁC BỆNH TIM MẠCH

Các phân tích tổng hợp chứng minh rằng chế độ ăn kiêng DASH có thể dẫn đến giảm khoảng 20% ​​nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cùng với những lợi ích có ý nghĩa trong các yếu tố nguy cơ tim mạch đã được thiết lập khác ở những người có và không mắc bệnh tiểu đường. Việc kiểm tra sâu hơn các thành phần của chế độ ăn DASH cho thấy rằng việc tăng lượng rau, trái cây, các loại hạt, chất xơ và axit béo n-3 và giảm lượng thịt đỏ có liên quan đến việc giảm nguy cơ tăng acid uric máu-là một yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch.

1.3 GIẢM NGUY CƠ BỆNH TIỂU ĐƯỜNG TYPE 2 VÀ CÁC RỐI LOẠN CHUYỂN HÓA KHÁC

Một nghiên cứu tiền cứu sử dụng dữ liệu từ Singapore Chinese Health Study cho thấy việc tuân thủ chế độ ăn kiểu DASH nhiều hơn có liên quan đến việc giảm 29% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2. Việc giảm tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường và cải thiện kiểm soát đường huyết có thể là do việc tiêu thụ nhiều trái cây và rau quả cũng như thành phần sữa ít chất béo trong chế độ ăn kiêng DASH dẫn đến điều chỉnh các bất thường về glucose và insulin. 

Chế độ ăn DASH giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2

Một nghiên cứu cắt ngang khác sử dụng dữ liệu từ Khảo sát Sức khỏe và Dinh dưỡng Quốc gia Nhật Bản cho thấy việc tuân thủ tốt hơn chế độ ăn DASH có liên quan nghịch với các yếu tố nguy cơ chuyển hóa bao gồm vòng eo, tổng lượng cholesterol, LDL cholesterol và BMI. Sự giảm lipid máu đã được quan sát, bao gồm cả mục tiêu lipid chính cho liệu pháp, LDL-C, có thể là do tiêu thụ nhiều trái cây, quả hạch, các loại đậu và ngũ cốc nguyên hạt (đặc biệt là từ yến mạch và lúa mạch), làm tăng chất xơ và giảm trong lượng chất béo bão hòa như một phần của chế độ ăn kiêng DASH.

1.4 GIẢM YẾU TỐ NGUY CƠ PHÁT TRIỂN BỆNH THẬN MẠN

Do tăng huyết áp là căn nguyên cơ bản phổ biến nhất của bệnh thận mạn, lượng natri hấp thụ là một yếu tố quan trọng để xem xét nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính. Giảm lượng natri ăn vào có thể giúp hạ huyết áp và cuối cùng là giảm nguy cơ mắc bệnh thận mạn. Ở những người đã bị tăng huyết áp, giảm lượng natri ăn vào dường như giúp hạ huyết áp và làm chậm sự tiến triển của tổn thương thận. 

1.5 GIẢM TRỌNG LƯỢNG CƠ THỂ

Một tổng quan hệ thống và phân tích tổng hợp các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng cho thấy ảnh hưởng của chế độ ăn kiêng DASH đối với trọng lượng cơ thể có thể do tăng tiêu thụ trái cây và rau quả. Chế độ ăn nhiều chất xơ hơn có thể góp phần giảm cân vì thức ăn giàu chất xơ đòi hỏi thời gian nhai lâu hơn và giảm thời gian làm rỗng dạ dày, kích hoạt tín hiệu no và làm chậm tiêu hóa, đồng thời chậm hấp thu chất dinh dưỡng, trì hoãn cảm giác đói và nạp năng lượng sau đó.

2. ĐẶC ĐIỂM CỦA CHẾ ĐỘ ĂN DASH

Ngày nay chế độ ăn DASH được phát triển thành nhiều phiên bản dành cho các đối tượng và nhiều khu vực khác nhau trên thế giới nhưng nhìn chung, trọng tâm của chế độ ăn này là: 

  • Ăn nhiều rau, trái cây, các sản phẩm từ sữa ít béo, ngũ cốc nguyên hạt, cá, thịt gia cầm và các loại hạt.
  • Ít thịt đỏ và đồ uống có đường, ngũ cốc tinh chế, giảm lượng chất béo bão hòa và tổng chất béo.

Tài liệu tham khảo

[1] L. Chiavaroli và c.s., “DASH Dietary Pattern and Cardiometabolic Outcomes: An Umbrella Review of Systematic Reviews and Meta-Analyses”, Nutrients, vol 11, số p.h 2, tr 338, tháng 2 2019, doi: 10.3390/nu11020338.

[2] Y. Song, A. J. Lobene, Y. Wang, và K. M. Hill Gallant, “The DASH Diet and Cardiometabolic Health and Chronic Kidney Disease: A Narrative Review of the Evidence in East Asian Countries”, Nutrients, vol 13, số p.h 3, tr 984, tháng 3 2021, doi: 10.3390/nu13030984.

[3] A. Kucharska và c.s., “The impact of individualised nutritional therapy according to DASH diet on blood pressure, body mass, and selected biochemical parameters in overweight/obese patients with primary arterial hypertension: a prospective randomised study”, Kardiol Pol, vol 76, số p.h 1, tr 158–165, 2018, doi: 10.5603/KP.a2017.0184.

[4] M. Akhlaghi, “Dietary Approaches to Stop Hypertension (DASH): potential mechanisms of action against risk factors of the metabolic syndrome”, Nutr Res Rev, vol 33, số p.h 1, tr 1–18, tháng 6 2020, doi: 10.1017/S0954422419000155.

[5] K. Murakami, M. B. E. Livingstone, và S. Sasaki, “Diet quality scores in relation to metabolic risk factors in Japanese adults: a cross-sectional analysis from the 2012 National Health and Nutrition Survey, Japan”, Eur J Nutr, vol 58, số p.h 5, tr 2037–2050, tháng 8 2019, doi: 10.1007/s00394-018-1762-6.

[6] O. T. Mytton, K. Nnoaham, H. Eyles, P. Scarborough, và C. Ni Mhurchu, “Systematic review and meta-analysis of the effect of increased vegetable and fruit consumption on body weight and energy intake”, BMC Public Health, vol 14, tr 886, tháng 8 2014, doi: 10.1186/1471-2458-14-886.

Website: https://inrd.vn/

Fanpage: https://www.facebook.com/inrd2022

Tin mới

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.