Dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai

26/04/2024 - Manager Website

Dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai rất quan trọng cho sức khỏe người mẹ và sự phát triển của con từ trong bào thai đến khi trưởng thành. Nếu người mẹ khi mang thai không được chăm sóc tốt, đáp ứng đủ các nhu cầu về dinh dưỡng thì thai nhi sẽ chậm phát triển và ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe sau này. Do đó, việc đảm bảo dinh dưỡng tối ưu cho người mẹ trong thai kì giúp cho bào thai phát triển khỏe mạnh, giảm các tai biến sản khoa và giảm tỷ lệ bệnh tật đáng kể ở những giai đoạn sau này của trẻ.

1. Tình trạng dinh dưỡng ở người mẹ khi mang thai

Tình trạng dinh dưỡng của người mẹ khi mang thai được thể hiện qua mức tăng cân của người mẹ trong suốt thời gian mang thai.

Nếu dinh dưỡng tốt và mức tăng cân đủ, thai nhi sẽ phát triển tốt và sức khỏe người mẹ sẽ được đảm bảo trong suốt quá trình mang thai và dinh dưỡng tốt cũng giúp đảm bảo lượng sữa đầy đủ cho trẻ sau khi sinh. Trung bình người mẹ tăng khoảng 10-12 kg trong suốt thai kì.

Sự thay đổi về trọng lượng cơ thể của người mẹ khi mang thai được khuyến nghị đáp ứng dựa theo tình trạng dinh dưỡng của người mẹ trước khi mang thai. Mức tăng cân khuyến nghị là:

– Tình trạng dinh dưỡng tốt (BMI từ 18,5 đến 24,9): mức tăng cân nên đạt 20% cân nặng trước khi mang thai

– Tình trạng dinh dưỡng kém (BMI dưới 18,5): mức tăng cân nên đạt là 25% cân nặng trước khi mang thai

– Tình trạng dinh dưỡng thừa cân-béo phì (BMI >25): Mức tăng cân nên đạt là 15% cân nặng trước khi mang thai.

2. Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị trong thai kì

Nhu cầu các chất dinh dưỡng tăng dần theo 3 giai đoạn: 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối.

a. Nhu cầu dinh dưỡng

– Nhu cầu về năng lượng: mức tăng năng lượng so với nhu cầu bình thường là

+ 3 tháng đầu: 50 kcal/ngày

+ 3 tháng giữa: 250 kcal/ngày

+ 3 tháng sau: 450 kcal/ngày

– Nhu cầu protein: 

  • Tỷ lệ năng lượng từ protein trong khẩu phần chiếm từ 13-20%. 
  • Tỷ lệ protein động vật trên tổng số là từ 35% trở lên.
  • Mức tăng lượng protein trong khẩu phần so với nhu cầu bình thường là:

+ 3 tháng đầu: 1g/ngày 

+ 3 tháng giữa: 10g/ngày

+ 3 tháng cuối: 31g/ngày

– Nhu cầu lipid:

  • Tỷ lệ năng lượng từ lipid trong khẩu phần chiếm từ 25-30%. 
  • Tỷ lệ lipid động vật trên tổng số là ≤ 60%. 
  • Lượng acid béo no không vượt quá 10% năng lượng khẩu phần.

Các Acid béo không no (như acid linoleic, linolenic, decosahexaenoic và các acid béo không no khác) phải đảm bảo cung cấp 11-15% tổng năng lượng. Để đạt được điều này cần tăng cường tiêu thụ các loại dầu thực vật và cá mỡ. 

+ Nhu cầu acid linoleic là 2g/ngày

+ Nhu cầu khuyến nghị acid alpha linolenic là 0,5 g/ngày

  • Mức tăng lượng lipid trong khẩu phần so với nhu cầu bình thường là:

+ 3 tháng đầu: 1,5 g/ngày 

+ 3 tháng giữa: 7,5 g/ngày

+ 3 tháng cuối: 15 g/ngày

– Nhu cầu glucid:

Năng lượng do glucid cung cấp chiếm 55-65% năng lượng khẩu phần, trong đó các glucid phức hợp nên chiếm 70%. Không nên ăn quá nhiều glucid tinh chế như đường, bánh kẹo, bột tinh chế hoặc ngũ cốc đã xay xát kĩ.

Mức tăng lượng glucid trong khẩu phần so với nhu cầu bình thường là:

+ 3 tháng đầu: 7-10 g/ngày 

+ 3 tháng giữa: 35-40 g/ngày

+ 3 tháng cuối: 65-70 g/ngày

– Nhu cầu chất xơ: cung cấp đủ chất xơ giúp giảm các rối loạn thường gặp trong thai kì như táo bón, khó tiêu,… Nhu cầu chất xơ ở phụ nữ có thai là 28g/ngày.

b. Nhu cầu vitamin cho phụ nữ có thai

– Vitamin A:  

Nhu cầu vitamin A trong giai đoạn này là 500 mcg/ngày. Vitamin A không cần bổ sung trong thai kì vì bổ sung liều cao có thể dẫn đến nhiễm độc thai nghén, dị tật thai nhi và thai chết lưu. Trong 3 tháng cuối nhu cầu vitamin A tăng lên khoảng 80 mcg/ngày có thể lựa chọn các thực phẩm giàu vitamin A có nguồn gốc động vật bao gồm sữa, trứng, cá biển,… và các loại rau củ quả có màu vàng, màu đỏ và các loại rau có lá màu xanh đậm.

– Vitamin D: 

Vitamin D giúp hấp thu canxi, phosphor vào cơ thể. Thiếu vitamin D khi mang thai có thể dẫn đến trẻ còi xương ngay từ trong bụng mẹ. Nhu cầu vitamin D trong giai đoạn thai kì là 20 mcg/ngày, tăng 5 mcg/ngày so với nhu cầu bình thường.

– Vitamin K: nhu cầu không tăng so với bình thường là 150 mcg/ngày

– Acid folic có vai trò tham gia tạo máu và ống thần kinh của trẻ. Sự khuyết tật của ống thần kinh thường xảy ra ở ngày thứ 28 sau khi thụ thai. Do đó cần bổ sung acid folic từ trước khi thụ thai mới có hiệu quả trong dự phòng khuyết tật ống thần kinh cho thai nhi, nồng độ acid folic phải đảm bảo đủ cao ở thời điểm thụ thai. Do đó tất cả các phụ nữ mang thai được khuyến cáo bổ sung acid folic 3 tháng trước thời điểm dự định có thai bằng chế độ ăn uống hoặc viên acid folic. Nhu cầu khuyến nghị acid folic cho phụ nữ mang thai là 600 mcg/ngày.

– Vitamin C: giúp tăng miễn dịch, hỗ trợ hấp thu sắt. Do đó nhu cầu vitamin C tăng 10 mg/ngày so với nhu cầu bình thường là 100mg/ngày.

c. Nhu cầu chất khoáng cho phụ nữ có thai

– Canxi: cần chú ý nhu cầu tăng lên trong thời kì mang thai. Canxi của mẹ được chuyển qua nhau thai để khoáng hóa bộ xương của thai nhi. Nhu cầu trong thời kì mang thai là 1200mg/ngày. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo bổ sung canxi cho tất cả phụ nữ mang thai từ tuần 20 trở đi để đề phòng tiền sản giật và lượng canxi nguyên tố tối đa trong khẩu phần là 2500 mg.

– Sắt: quan trọng trong đáp ứng nhu cầu tạo máu của cơ thể mẹ khi mang thai. Nhu cầu sắt tăng từ 10-15 mg/ngày tùy theo giá trị sinh học của sắt trong khẩu phần. Do thức ăn từ trong khẩu phần chỉ đáp ứng được hơn 30% nhu cầu sắt nên phụ nữ trong suốt quá trình mang thai cần được bổ sung viên sắt.

– Kẽm: có vai trò quan trọng trong việc phát triển chiều dài của thai nhi và tăng khả năng miễn dịch cho người mẹ. Do đó nhu cầu kẽm tăng lên trong thời kì mang thai và tăng lên nếu mức thu kém. Nhu cầu kẽm trong thời kì mang thai là

+ Mức hấp thu kém: 22 mg/ngày

+ Mức hấp thu vừa: 10 mg/ngày

+ Mức hấp thu tốt: 6 mg/ngày

– Iod: quan trong trọng phát triển não và hệ thống thần kinh của thai nhi. Nhu cầu iod cũng tăng lên trong thời kì mang thai, mức khuyến nghị là 220 mcg/ngày.

Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị trong thai kì
Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị trong thai kì

3. Lưu ý về dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai

– Chế độ ăn cần đầy đủ và đa dạng các nhóm thực phẩm, với số lượng nhiều hơn khi không mang thai.

– Kiểm tra cân nặng thường xuyên.

– Hạn chế các đồ uống có chứa chất kích thích, giảm ăn các gia vị như ớt, tiêu, tỏi,…

– Giảm ăn mặn, đặc biệt khi có phù, tăng huyết áp, nhiễm độc thai nghén.

– Không nên quá kiêng khem

– Không nên lao động nặng, thể dục nhẹ nhàng 30 phút mỗi ngày

– Duy trì tinh thần thoải mái

Website: https://inrd.vn/

Fanpage: https://www.facebook.com/inrd2022

Tin mới

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.