Đái tháo đường là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến toàn cầu. Theo thống kê của Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới (IDF) năm 2019 toàn thế giới có 463 triệu người (trong độ tuổi từ 20 -79) mắc bệnh tiểu đường, dự kiến sẽ ở mức 578 triệu người vào năm 2030 và 700 triệu người vào năm 2045.
Việt Nam không nằm trong nhóm 10 quốc gia có tỷ lệ mắc đái tháo đường cao nhưng lại là quốc gia có tốc độ phát triển bệnh nhanh. Đái tháo đường gây ra các biến chứng nguy hiểm và nặng nề, ngoài việc tuân thủ điều trị bằng thuốc thì chế độ ăn đóng vai trò rất quan trọng trong kiểm soát bệnh tiểu đường. Một chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng, đủ về số lượng và chất lượng có thể cân bằng đường huyết, giúp người bệnh bảo vệ sức khỏe và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
1. Mục tiêu dinh dưỡng
– Duy trì đường huyết trong giới hạn bình thường hoặc cố gắng ở mức an toàn
– Chỉ số mỡ máu ở mức giới hạn
– Duy trì huyết áp ở giới hạn bình thường
* Đối với những đối tượng đặc biệt, mục tiêu dinh dưỡng là:
– Trẻ em ĐTĐ type 1: đảm bảo sự phát triển bình thường
– Phụ nữ mang thai và cho con bú: thai phát triển tốt
– Người cao tuổi ĐTĐ type 2: cung cấp đủ nhu cầu và dinh dưỡng điều chỉnh phù hợp với các bệnh đi kèm
2. Nguyên tắc dinh dưỡng
– Cung cấp đủ, cân đối nhu cầu các chất dinh dưỡng theo lứa tuổi, tình trạng sinh lý, tình trạng lao động, bệnh đi kèm.
– Không làm tăng đường máu nhiều sau ăn.
– Không làm hạ đường máu lúc xa bữa ăn
– Không làm tăng nguy cơ biến chứng như rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, suy thận,…
– Cơ cấu và lượng bữa ăn không nên thay đổi quá nhanh, phù hợp với tập quán ăn uống của địa phương, dân tộc.
– Đơn giản và không quá đắt tiền
– Duy trì mức cân nặng lý tưởng
3. Khuyến nghị dinh dưỡng
Nhu cầu các chất dinh dưỡng
Năng lượng: Nhu cầu năng lượng được tính dựa trên chiều cao, giới tính và theo mức độ hoạt động thể lực của mỗi bệnh nhân.
Glucid: bao gồm đường, tinh bột, chất xơ.
– Năng lượng từ tinh bột chiếm khoảng 50-60% tổng năng lượng khẩu phần.
– Lựa chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp. Chỉ số đường huyết (GI) là khái niệm để mô tả tình trạng tăng đường máu sau khi ăn một lượng tinh bột nhất định trong một loại thực phẩm. Mỗi loại thực phẩm khác nhau sẽ có khả năng làm tăng đường máu khác nhau. Glucose hay bánh mỳ trắng, được công nhận là chuẩn hay được xem là 100 đơn vị cơ bản, để tính toán chỉ số đường cho các loại thực phẩm.
+ Thực phẩm có chỉ số đường ≤ 55: thấp
+ Thực phẩm có chỉ số đường từ 55-69: trung bình
+ Thực phẩm có chỉ số đường ≥ 70: cao
Bệnh nhân ĐTĐ, người muốn giảm cân hay duy trì cân nặng ổn định nên lựa chọn ăn các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp hoặc phối hợp giữa thực phẩm GI thấp và GI cao, vì thực phẩm này giải phóng glucose vào máu chậm, không làm tăng nhanh đường huyết sau ăn và giúp ổn định đường huyết.
Các thực phẩm giàu chất xơ sẽ có chỉ số đường huyết thấp như gạo lứt, xay xát giã dối, ngũ cốc nguyên cám, hạn chế tăng đường huyết nhiều sau ăn so với gạo trắng, bún, phở. Hạn chế các thực phẩm chứa đường tinh chế, chứa nhiều đường ở dạng đơn giản như nước hoa quả đóng hộp, bánh kẹo, siro, một số loại trái cây,…
Khuyến nghị về protein:
– Với người ĐTĐ có chức năng thận bình thường, năng lượng từ protein chiếm 15-20%.
– Ở người ĐTĐ, protein có thể làm tăng đáp ứng insulin nhưng không làm tăng nồng độ glucose huyết tương. Tuy nhiên, bữa ăn giàu protein không được khuyến nghị như một phương pháp giảm cân cho người ĐTĐ.
Khuyến nghị về chất béo
– Hạn chế chất béo bão hòa <7%
– Chất béo trans cần ở mức tối thiểu
– Khẩu phần cholesterol <200 mg/ngày
– Mỗi tuần nên ăn 2-3 khẩu phần cá để cung cấp các chất béo tốt như omega-3, acid béo không bão hòa. Ngoài ra chất béo tốt còn có trong rong biển, các loại hạt có dầu như mè, hạt điều, đậu phộng,… Hạn chế chất béo xấu từ mỡ động vật, thịt, sữa nguyên kem, nội tạng động vật, mỳ ăn liền,…
– Khẩu phần giảm chất béo khi duy trì lâu dài góp phần giảm cân và cải thiện rối loạn lipid máu.
Khuyến nghị về vitamin và chất khoáng
– Đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu vitamin và các chất khoáng như nhu cầu khuyến nghị.
– Người bệnh ĐTĐ nên hạn chế muối trong chế độ ăn ở mức có thể, dưới 6g/ngày ở những người chưa có biến chứng.
Khuyến nghị về chất xơ
Chất xơ có tác dụng kéo dài thời gian lưu trữ thức ăn trong dạ dày, giảm tốc độ hấp thu glucose trong ống tiêu hóa, làm chậm tốc độ tăng đường huyết sau ăn. Chất xơ hòa tan có tác dụng ngăn cản hấp thu cholesterol. Chất xơ có nhiều trong vỏ lụa hạt gạo, rau củ quả,… Khuyến nghị chất xơ là trên 10g/1000 Kcal/ngày và đối với người ĐTĐ nên là 20 g/ngày.
Khuyến nghị về rượu
Rượu có thể làm tăng hoặc hạ đường huyết phụ thuộc vào lượng rượu uống và thức ăn đi kèm. Bia rượu sinh ra nhiều năng lượng làm đường huyết khó kiểm soát và giảm hiệu quả của thuốc điều trị bệnh, gây ra các tác dụng phụ: nhức đầu, nôn mửa,… Do đó bệnh nhân ĐTĐ nên hạn chế đồ uống có cồn. Nếu uống, nên hạn chế: 1 đơn vị với nữ và 2 đơn vị với nam trong 1 ngày. 1 đơn vị rượu tương đương với 350ml bia, 150ml rượu vang và 50ml rượu mạnh.
Lời khuyên dinh dưỡng
Giờ ăn, bữa ăn: chia nhỏ các bữa và điều chỉnh nếu có tiêm insulin. Nếu có tiêm insulin, phải tính thời điểm lượng đường huyết tăng cao sau bữa ăn phù hợp với thời điểm insulin có tác dụng mạnh nhất. Quan trọng là khoảng cách giữa các bữa ăn đảm bảo cung cấp cho cơ thể một lượng đường tương đối ổn định, điều độ và hợp lý về giờ giấc. Không để cơ thể bị đói và không ăn khi không đói.
Trình tự ăn: nên ăn rau trước -> thịt -> cơm
Chế độ ăn: ăn đa dạng, không quá kiêng khem, ăn các loại thực phẩm ở mức độ hợp lý.
Website: https://inrd.vn/
Fanpage: https://www.facebook.com/inrd2022