DINH DƯỠNG TRONG HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH

13/06/2023 - Manager Website

Hội chứng ruột kích thích (Irritable bowel syndrome – IBS)  là một bệnh đường tiêu hóa chức năng với tỷ lệ dân số mắc cao. Rối loạn này có thể gây suy nhược, các triệu chứng khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng đời sống của bệnh nhân. Các liệu pháp điều trị bao gồm thuốc, dinh dưỡng và tâm lý trị liệu. Trong đó, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong làm giảm độ trầm trọng và tái phát của bệnh.

1. TỔNG QUAN VỀ HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH

1.1 KHÁI NIỆM

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một rối loạn chức năng của ruột (nghĩa là không liên quan đến các bất thường về cấu trúc hoặc sinh hóa có thể phát hiện được bằng các công cụ chẩn đoán thông thường hiện nay) đặc trưng bởi các triệu chứng đau bụng hoặc khó chịu, phân bất thường và đầy hơi.

1.2 PHÂN LOẠI

Có 4 mô hình IBS chính được phân theo tiêu chí Rome IV (2016):

– IBS – C: IBS kèm theo táo bón chiếm ưu thế

– IBS – D: IBS kèm theo tiêu chảy chiếm ưu thế

– IBS – M: IBS hỗn hợp có cả táo bón và tiêu chảy

– IBS – U: IBS không phân loại/xác định

1.3 TRIỆU CHỨNG

Hội chứng ruột kích thích có các đặc trưng là:

– Chướng bụng, đầy hơi

– Đau quặn bụng và có thể khác nhau về cường độ và vị trí, đại tiện thì giảm đau

– Đại tiện thất thường – phân lỏng, có khi táo bón

– Đại tiện phân không có máu

Triệu chứng của hội chứng ruột kích thích
Triệu chứng của hội chứng ruột kích thích

1.4 CHẨN ĐOÁN

Đặc điểm chung trong tất cả các tiêu chuẩn chẩn đoán là đau bụng và/hoặc khó chịu liên quan đến thói quen đại tiện bất thường: tiêu chảy (phân lỏng và thường xuyên) hoặc táo bón (phân cứng và ít) hoặc táo bón và tiêu chảy xen kẽ. Tất cả các triệu chứng này yêu cầu một khoảng thời gian và tần suất nhất định để đáp ứng các tiêu chuẩn chẩn đoán của Rome IV cho IBS; nghĩa là, các triệu chứng phải mạn tính và tái phát.

Do đó, tiêu chuẩn chẩn đoán IBS lâm sàng thực tế liên quan đến bệnh sử: sự kết hợp của các triệu chứng xuất hiện ≥1 ngày/ tuần trong 3 tháng, với triệu chứng khởi phát ≥6 tháng trước khi chẩn đoán.

2. CHẾ ĐỘ ĂN

Chế độ ăn ngoài việc đảm bảo đủ thành phần dinh dưỡng và đủ calo thì điều quan trọng là góp phần với thuốc để giảm chướng bụng, đầy hơi và tiêu chảy. Nguyên tắc chung là:

– Bổ sung chất xơ hòa tan.

– Không ăn các thực phẩm dễ sinh hơi trong ruột gây đầy hơi, chướng bụng như trứng, sữa, nem rán, thịt mỡ, đậu đen, hành sống, nho, mận, rượu vang đỏ, bia, cà phê, nước có gas, nước chanh đóng hộp.

– Chế độ ăn kiêng FODMAPs.

– Hạn chế uống đồ uống có chứa các chất kích thích như cà phê, rượu, chè khô,… Có thể sử dụng các đồ uống, canh có tác dụng an thần như canh lá vông, chè tâm sen.

3. BỔ SUNG CHẤT XƠ NHƯ THẾ NÀO?

Chất xơ có thể cải thiện tình trạng táo bón trong IBS vì chất xơ giúp:

– Phân mềm và dễ đi ngoài hơn. 

– Cải thiện tiêu chảy, làm sạch ruột, giảm nhu động ruột, giảm đau.

– Là cơ chất để lợi khuẩn đường ruột sử dụng để phát triển và hình thành các hợp chất có lợi trong cơ thể.

Có hai loại chất xơ là

  • Chất xơ hòa tan, được tìm thấy trong các sản phẩm đậu, trái cây và yến mạch.
  • Chất xơ không hòa tan, được tìm thấy trong các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt và rau quả.

Nghiên cứu cho thấy rằng chất xơ hòa tan hữu ích hơn trong việc làm giảm các triệu chứng IBS.

Tuy nhiên, bổ sung quá nhiều chất xơ hòa tan cùng một lúc có thể sinh ra nhiều khí do quá trình lên men của vi khuẩn đường ruột và làm tăng các triệu chứng IBS. Thêm chất xơ từ từ khoảng 2 đến 3 gam vào chế độ ăn uống mỗi ngày có thể giúp ngăn ngừa khí và đầy hơi. 

4. CHẾ ĐỘ ĂN KIÊNG FODMAPs NHƯ THẾ NÀO?

FODMAPs (viết tắt của Fermentable Oligo-, Di-, Mono-saccharides, And Polyols) là 1 nhóm carbohydrate nhỏ không tiêu hóa được, chỉ chứa 1-10 đơn phân đường được hấp thụ kém ở ruột non, có thể lên men bởi các vi sinh vật đường ruột. FODMAPs bao gồm fructan có trong lúa mì, lúa mạch đen, hành tây và rau diếp xoăn; galactan có trong các loại đậu đỗ, disacarit (đường sữa lactose có trong sữa và các sản phẩm từ sữa), monosacarit (fructose có trong chất làm ngọt nhân tạo, trái cây) và polyol (đường rượu có trong táo, lê, quả hạch, súp lơ, nấm và chất làm ngọt).

Chế độ ăn kiêng FODMAP
Chế độ ăn kiêng FODMAP

Ảnh hưởng của FODMAPs lên ruột:

– Tăng hàm lượng nước trong ruột non

– Tăng sản xuất khí: Quá trình lên men FODMAP dẫn đến sản xuất nhiều khí hơn như hydro, metan và carbon dioxide.

– Sản xuất quá nhiều axit béo chuỗi ngắn (SCFA): SCFA bao gồm propionate, butyrate và axetat, là sản phẩm của quá trình chuyển hóa chất xơ trong chế độ ăn uống của vi khuẩn và có nhiều tác dụng có lợi. Tuy nhiên, butyrate có thể làm tăng độ nhạy cảm của ruột.

SCFA có thể gây độc cho biểu mô nếu có ở nồng độ cao và bằng cách kích thích giải phóng 5-hydroxytryptamine (5HT) từ niêm mạc ruột, tạo điều kiện cho sự khởi phát của các cơn co thắt đại tràng lan truyền biên độ cao, do đó đẩy nhanh quá trình vận chuyển đường ruột.

Những ảnh hưởng này trong bối cảnh quá mẫn cảm ở ruột điển hình của bệnh nhân IBS, có thể gây đau bụng, chướng bụng, đầy hơi và thay đổi thói quen đại tiện. Do đó, chế độ ăn hạn chế các thực phẩm chứa FODMAPs có thể cải thiện các triệu chứng IBS.

Tài liệu tham khảo

[1] P. Enck và c.s., “Irritable bowel syndrome”, Nat Rev Dis Primers, vol 2, tr 16014, tháng 3 2016, doi: 10.1038/nrdp.2016.14.

[2] G. Barbara và c.s., “The Immune System in Irritable Bowel Syndrome”, J Neurogastroenterol Motil, vol 17, số p.h 4, tr 349–359, tháng 10 2011, doi: 10.5056/jnm.2011.17.4.349.

[3] “Eating, Diet, & Nutrition for Irritable Bowel Syndrome | NIDDK”, National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases. https://www.niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/irritable-bowel-syndrome/eating-diet-nutrition (truy cập 13 Tháng Chạp 2022).

[4] “What Is New in Rome IV – PMC”. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5383110/ (truy cập 13 Tháng Chạp 2022).

[5] B. Radovanovic-Dinic, S. Tesic-Rajkovic, S. Grgov, G. Petrovic, và V. Zivkovic, “Irritable bowel syndrome – from etiopathogenesis to therapy”, Biomedical Papers, vol 162, số p.h 1, tr 1–9, tháng 3 2018, doi: 10.5507/bp.2017.057.

Tìm hiểu bài viết liên quan: https://inrd.vn/

Fanpage: https://www.facebook.com/inrd2022

Tin mới

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.