OMEGA-3 VÀ MỐI LIÊN QUAN TỰ KỶ

04/02/2023 - Manager Website

Omega-3 là chất béo không bão hòa đa thiết yếu mà cơ thể không thể tự tổng hợp được. Omega-3 tham gia, tác động lên nhiều hoạt động sống quan trọng của cơ thể và ảnh hưởng đến nhiều hệ cơ quan như tim mạch, tuần hoàn, thần kinh, giác quan, xương khớp,…

Những năm gần đây, omega-3 được quan tâm nhiều trong việc tìm hiểu cơ chế bệnh sinh và điều trị các rối loạn phát triển thần kinh và tâm thần. Người ta nhận thấy vai trò tiềm năng của axit béo không bão hòa đa omega-3 (PUFAs) trong biện pháp trị liệu thay thế của bệnh tự kỷ.

1. TỔNG QUAN VỀ OMEGA-3

1.1 Cấu trúc của omega-3

Omega (PUFAs) là nhóm chất béo không bão hòa chứa nhiều nối đôi, đặc trưng bởi các chuỗi carbon dài chứa các axit béo với nhóm cacboxyl ở một đầu và một nhóm metyl ở đầu kia của chuỗi. Omega-3 chỉ vị trí liên kết đôi đầu tiên nằm ở carbon số 3. Omega-3 có ở cả động vật và thực vật tồn tại ở 3 dạng chính là: DHA (acid docosahexaenoic), EPA (acid eicosaoentaenoic) có nhiều trong dầu cá và tảo, ALA (alpha linolenic) có nhiều ở thực vật.

1.2 Vai trò của omega-3

Chức năng thị giác:

DHA, một loại omega-3, là thành phần cấu trúc chính của não và võng mạc. Hơn 50% võng mạc được tạo thành từ DHA. Sự thiếu hụt Omega 3 có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa điểm vàng, một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa.

Quá trình xử lý thị giác và chức năng tối ưu của võng mạc phụ thuộc vào hàm lượng DHA để duy trì tính lưu động và tính thấm của màng. Nồng độ cao nhất được tìm thấy trong các tế bào cảm thụ ánh sáng, giúp chuyển đổi ánh sáng thành các tín hiệu thần kinh để hiểu được những gì mắt đang nhìn thấy.

Chức năng não bộ:

DHA là acid béo chủ yếu trong thần kinh trung ương và đóng một vai trò cấu trúc trong não. Ngăn chặn quá trình chết tế bào thần kinh gây ra bởi các oligomer amyloid-beta hòa tan và làm giảm sự xuất hiện của bệnh Alzheimer ở người cao tuổi. EPA rất quan trọng để duy trì chức năng não và tế bào tín hiệu. Thiếu DHA có thể làm tăng khả năng teo tế bào thần kinh dễ bị tổn thương. EPA có thể làm giảm đáng kể các triệu chứng của bệnh trầm cảm và giúp cân bằng cảm xúc.

Chức năng cơ xương khớp: cải thiện bệnh viêm khớp dạng thấp bằng cách:

  • Giảm các cytokine tiền viêm và ức chế sự hoạt hóa của các tế bào lympho T và các enzym dị hóa.
  • Ức chế sự tăng sinh của các tế bào hoạt dịch và giảm sự tăng sản hoạt dịch.
  • Giảm sự hao mòn cơ liên quan đến bệnh viêm khớp dạng thấp.

Chức năng tim mạch:

EPA làm giảm đáng kể nồng độ triglycerid huyết tương và có thể làm tăng nồng độ của HDL (chất béo tốt). DHA làm giảm huyết áp lưu động và nhịp tim ở người tăng lipid máu nhẹ. Omega-3 có tác dụng tốt trong phòng chứng loạn nhịp tim, rung tâm thất, huyết khối và điều chỉnh phần nào huyết áp trong tăng huyết áp. ALA có nguồn gốc từ thực vật cũng làm giảm nguy cơ tử vong do các bệnh tim mạch lên tới 50%.

Vai trò của omega3
Vai trò của omega-3

2. MỐI LIÊN QUAN CỦA OMEGA-3 VỚI CHỨNG TỰ KỶ

Sự thiếu hụt Omega-3 PUFAs đã được báo cáo ở  nhiều loại rối loạn tâm thần, bao gồm rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), trầm cảm, tâm thần phân liệt (SCZ) và Rối loạn phổ tự kỷ (ASD). 

Rối loạn phổ tự kỷ (ASD) là một rối loạn phát triển thần kinh với các triệu chứng phát sinh rõ ràng trong suốt cuộc đời của bệnh nhân. Tự kỷ được đặc trưng bởi các tương tác xã hội và giao tiếp bị suy giảm cũng như các sở thích và hành vi bị hạn chế, lặp đi lặp lại. 

Bổ sung đầy đủ PUFAs chuỗi dài trong các rối loạn tâm thần xuất phát từ thực tế là não được cấu tạo phần lớn từ các PUFA omega-3, đã được chứng minh là có các đặc tính bảo vệ thần kinh, đặc biệt là trong việc tạo ra sự thay đổi của màng synap.

Omega-3 điều chỉnh tín hiệu tế bào não, bao gồm điều hòa monoamine, và tham gia vào việc thay đổi các đặc tính của thụ thể hoặc kích hoạt quá trình truyền tín hiệu của các thụ thể thần kinh, điều này có thể giải thích vai trò của chúng trong việc khởi phát một số bệnh tâm thần. Các dữ liệu chỉ ra nồng độ omega-3 trong máu, đặc biệt là DHA thấp ở trẻ ASD trong máu thấp hơn bất thường so với trẻ phát triển bình thường.

Một số nghiên cứu bổ sung omega-3 ở trẻ và thanh thiếu niên tự kỷ cho thấy cải thiện một số triệu chứng cốt lõi của ASD, đặc biệt là tăng động, thờ ơ, rập khuôn và hành vi xã hội bao gồm nhận thức xã hội, động lực xã hội và giao tiếp xã hội. Ngoài ra, tác dụng có lợi được ghi nhận trong sự phát triển ngôn ngữ sớm và giảm hiếu động thái quá, hành vi lặp đi lặp lại, các triệu chứng khó chịu và chứng ngủ lịm.

Bổ sung omega-3 cho trẻ tự kỷ
Một số nghiên cứu bổ sung omega-3 ở trẻ thanh thiếu niên tự kỷ

Một số nghiên cứu báo cáo sự cải thiện các kỹ năng vận động cũng như khả năng tập trung. Tuy nhiên cũng có một số nghiên cứu cho thấy trẻ em trong nhóm điều trị đã có những cải thiện trung bình về hiếu động thái quá so với nhóm giả dược nhưng không có sự khác biệt đáng kể về điểm số trong thang đánh giá giữa nhóm can thiệp và nhóm giả dược.

Một nghiên cứu RCT khác bổ sung 200 mg/ ngày trong sáu tháng cho 24 trẻ tự kỷ và giả dược cho 24 trẻ nhóm chứng  không cho thấy bất kỳ sự cải thiện nào trong các triệu chứng cốt lõi của chứng tự kỷ hoặc một loạt các khó khăn về hành vi và phát triển liên quan. Họ chỉ tìm thấy một sự thay đổi thuận lợi trong giao tiếp chức năng được báo cáo bởi giáo viên ở trẻ tự kỷ được bổ sung DHA.

Những phát hiện này báo cáo một lợi ích nhỏ nhưng không đáng kể của việc bổ sung omega-3 ở trẻ em mắc chứng ASD. Tuy nhiên những dữ liệu này rất ít và kích thước mẫu thường quá hạn chế. Điều này phù hợp với các đánh giá có hệ thống gần đây và phân tích tổng hợp kết luận rằng, dựa trên các bằng chứng hiện tại, bổ sung PUFA ω-3 không thể được khuyến nghị như một giải pháp thay thế để hỗ trợ các liệu pháp hành vi cho trẻ ASD, nhưng có thể được sử dụng để bổ sung các liệu pháp khác để cải thiện ASD.

Tài liệu tham khảo

[1] C. Agostoni và c.s., “The Role of Omega-3 Fatty Acids in Developmental Psychopathology: A Systematic Review on Early Psychosis, Autism, and ADHD”, Int J Mol Sci, vol 18, số p.h 12, tr 2608, tháng 12 2017, doi: 10.3390/ijms18122608.

[2] A. Veselinović và c.s., “Neuroinflammation in Autism and Supplementation Based on Omega-3 Polyunsaturated Fatty Acids: A Narrative Review”, Medicina (Kaunas), vol 57, số p.h 9, tr 893, tháng 8 2021, doi: 10.3390/medicina57090893.

[3] R. G. Voigt và c.s., “Dietary docosahexaenoic acid supplementation in children with autism”, J Pediatr Gastroenterol Nutr, vol 58, số p.h 6, tr 715–722, tháng 6 2014, doi: 10.1097/MPG.0000000000000260.

[4] S. Bent và c.s., “Internet-Based, Randomized Controlled Trial of Omega-3 Fatty Acids for Hyperactivity in Autism”, J Am Acad Child Adolesc Psychiatry, vol 53, số p.h 6, tr 658–666, tháng 6 2014, doi: 10.1016/j.jaac.2014.01.018.

Tìm hiểu bài viết liên quan: https://inrd.vn/

Fanpage: https://www.facebook.com/inrd2022

Tin mới

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.