TỔNG QUAN VỀ KẼM

13/03/2023 - Manager Website

Kẽm là một trong những vi chất quan trọng nhất của cơ thể.

Kẽm cần thiết cho chức năng của khoảng 300 enzym và có tác dụng xúc tác và không xúc tác trên một số lượng lớn các metalloenzyme như carbonic anhydrase, oxidoreductase, transferase, alcohol dehydrogenase và alkaline phosphatase.

1.VAI TRÒ CHÍNH CỦA KẼM TRONG CƠ THỂ

Tăng trưởng

Kẽm đóng một vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng và ảnh hưởng của thiếu kẽm đối với các bất thường gây dị tật thai nhi đã được mô tả rõ ràng. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng kẽm có một vai trò quan trọng trong việc biểu hiện gen và biệt hóa tế bào. Kẽm liên kết với một số protein nhất định và tạo ra các cấu trúc như “ngón tay kẽm”, là các protein được hình thành bởi các axit amin liên kết với ion kẽm.

Khoảng 3% gen người chứa ít nhất một ngón tay kẽm. Protein ngón tay kẽm thường liên kết với DNA và RNA vì hình dạng của chúng cho phép tương tác chặt chẽ giữa vùng với nucleotide trong DNA và RNA. Bởi vì đặc tính liên kết nucleotide của chúng, chúng có thể hoạt động trong việc điều hòa biểu hiện gen.

Miễn dịch

Vai trò quan trọng của kẽm đối với hệ miễn dịch đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu. Kẽm hoạt động như một chất điều biến đáp ứng miễn dịch, được điều chỉnh chặt chẽ bởi một số chất vận chuyển và chất điều chỉnh. Khi cơ chế này bị rối loạn, tính khả dụng của kẽm giảm, làm thay đổi khả năng sống sót, tăng sinh và biệt hóa của các tế bào của các cơ quan và hệ thống khác nhau và đặc biệt là các tế bào của hệ thống miễn dịch.

Thiếu kẽm ảnh hưởng đến các tế bào tham gia vào cả miễn dịch bẩm sinh và tập nhiễm ở mức độ sống sót, tăng sinh và trưởng thành. Những tế bào này bao gồm bạch cầu đơn nhân, bạch cầu đa nhân, tế bào diệt tự nhiên, tế bào lympho T và tế bào lympho B. Các chức năng của tế bào T và sự cân bằng giữa các tế bào T hỗ trợ khác nhau đặc biệt nhạy cảm với tình trạng kẽm.

Thiếu kẽm ảnh hưởng đến các tế bào tham gia vào cả miễn dịch bẩm sinh và tập nhiễm ở mức độ sống sót, tăng sinh và trưởng thành.
Thiếu kẽm ảnh hưởng đến các tế bào tham gia vào cả miễn dịch bẩm sinh và tập nhiễm ở mức độ sống sót, tăng sinh và trưởng thành

Trong khi thiếu kẽm cấp tính làm giảm khả năng miễn dịch bẩm sinh và tập nhiễm, thì thiếu hụt mạm tính làm tăng tình trạng viêm. Khi thiếu kẽm mạn tính, việc sản xuất các cytokine tiền viêm tăng lên, ảnh hưởng đến kết quả của một số lượng lớn các bệnh viêm, bao gồm cả viêm khớp dạng thấp.

Ở người, viêm da đầu chi – ruột, một chứng rối loạn di truyền hiếm gặp, là do đột biến ở một trong những protein vận chuyển kẽm. Tình trạng này được đặc trưng bởi các tổn thương da niêm mạc, tiêu chảy, chậm phát triển và thường xuyên nhiễm virus nặng cũng như nhiễm trùng do vi khuẩn và nấm. Tình trạng này có thể đe dọa đến tính mạng và tất cả các triệu chứng có thể hồi phục sau khi điều trị bằng cách bổ sung kẽm thích hợp.

2. CÂN BẰNG NỘI MÔI KẼM TRONG CƠ THỂ

Sự hấp thu: Kẽm ngoại sinh được hấp thu từ ruột non, chủ yếu ở hỗng tràng. Sự bài tiết kẽm xảy ra qua ruột non và qua thận nhưng ở mức độ thấp.

Bài tiết: Sự bài tiết kẽm qua ruột bị ảnh hưởng nhanh chóng bởi sự thay đổi hàm lượng kẽm trong chế độ ăn, trong khi sự hấp thu kẽm đáp ứng chậm hơn. Việc điều chỉnh bài tiết kẽm qua thận chỉ xảy ra khi lượng kẽm ăn vào quá thấp hoặc quá cao.

Cơ chế cân bằng nội môi kẽm: Cân bằng nội môi kẽm được điều chỉnh chặt chẽ thông qua các protein vận chuyển kẽm thuộc họ protein vận chuyển chất mang tan (SLC) 30 và SLC 39 với hơn 20 protein vận chuyển đơn lẻ khu trú trong ruột, thận và tuyến vú.

Phân bố kẽm trong cơ thể: Phần lớn tổng lượng kẽm trong cơ thể được tìm thấy trong mô cơ vân và xương. 11% được tìm thấy ở da và gan. Chỉ 0,1% tổng lượng kẽm được tìm thấy trong huyết tương. Nồng độ kẽm huyết thanh  được duy trì ở mức 10 – 15 micromol/L.

Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu kẽm: lượng kẽm trong lòng ruột, hàm lượng kẽm trong khẩu phần ăn và các tình trạng sinh lý khác nhau như mang thai, tăng trưởng và cho con bú làm tăng hấp thu kẽm.

3. TRIỆU CHỨNG THIẾU KẼM

Thiếu kẽm phổ biến trên toàn thế giới và là một vấn đề sức khỏe lớn. Người ta ước tính rằng khoảng 25% dân số thế giới bị thiếu kẽm. Tình trạng thiếu kẽm ở người được phát hiện vào những năm 1960 khi những bệnh nhân trẻ tuổi bị chậm phát triển và teo tuyến sinh dục không rõ nguyên nhân được phát hiện bị thiếu kẽm trầm trọng. Sau khi điều trị bằng thuốc bổ sung kẽm, các triệu chứng thuyên giảm.

Kể từ đó, một số nghiên cứu đã được thực hiện trong đó hiệu quả rõ rệt của việc bổ sung kẽm đối với các triệu chứng thiếu kẽm khác nhau đã được chứng minh.

Có sự khác biệt lớn giữa các triệu chứng thiếu kẽm nhẹ và nặng. Các nghiên cứu đã được thực hiện trong đó thiếu kẽm nhẹ đã được gây ra ở người. Các triệu chứng là giảm cân, số lượng tinh trùng thấp, giảm mức testosterone và tăng nồng độ amoni trong máu; tất cả những thay đổi có thể đảo ngược sau khi bổ sung kẽm.

Thiếu kẽm nhẹ ở phụ nữ mang thai có liên quan đến tăng tỷ lệ mắc bệnh ở mẹ, cảm giác về vị giác bất thường, sinh sản không thuận lợi, xu hướng chảy máu tăng, và thai nhi có thể bị ảnh hưởng.

Thiếu kẽm vừa phải có thể gây chậm lớn, thiểu năng sinh dục, da sần sùi, lờ đờ, giảm cảm giác thèm ăn và khó lành vết thương. Thiếu kẽm nghiêm trọng có thể gây viêm da mụn mủ, rụng tóc, tiêu chảy, sụt cân, thay đổi tâm thần, rối loạn thần kinh và thiểu năng sinh dục.

Triệu chứng thiếu kẽm nghiêm trọng
Triệu chứng thiếu kẽm nghiêm trọng

Ngoài ra, thiếu kẽm nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, có thể dẫn đến nhiễm trùng cả virus, vi khuẩn và nấm. Các triệu chứng có thể trở nên đe dọa tính mạng nếu bệnh nhân không được điều trị bằng các chất bổ sung kẽm.

4. BỔ SUNG KẼM TRONG ĐIỀU TRỊ CÁC BỆNH

Nhiễm trùng

Bổ sung kẽm có thể làm giảm thời gian, mức độ nghiêm trọng và tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy nhiễm trùng ở trẻ em ở các nước đang phát triển. Kẽm có hiệu quả trong cả dự phòng và điều trị tiêu chảy cấp. Bổ sung kẽm ở bệnh nhân tiêu chảy giúp cải thiện sự hấp thụ nước, điện giải trong ruột và tăng cường hệ thống miễn dịch. 

Tác dụng của kẽm đối với hệ thống miễn dịch làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong của các bệnh nhiễm trùng cấp tính đồng thời rút ngắn thời gian của bệnh.

Bệnh gan

Thiếu kẽm đáng kể có liên quan đến cả các bệnh gan cấp tính và mạn tính, như viêm gan virus cấp tính và mạn tính, xơ gan và viêm gan do rượu. Bổ sung kẽm cũng được sử dụng trong điều trị bệnh não gan.

Thiếu kẽm có liên quan đến cả các bệnh gan cấp tính và mạn tính
Thiếu kẽm có liên quan đến cả các bệnh gan cấp tính và mạn tính

Viêm da đầu chi – ruột

Bổ sung kẽm liều cao có thể chữa khỏi bệnh viêm da đầu chi – ruột và giảm tỷ lệ mắc và tử vong của bệnh, có thể gây tử vong nếu không được điều trị bằng kẽm.

Thiếu máu

Kẽm vẫn chưa được khám phá đầy đủ về tác dụng đối với một số loại thiếu máu, như thiếu máu do thiếu sắt. Cơ chế chưa được biết rõ, nhưng thiếu kẽm đã được chứng minh là làm giảm nồng độ erythropoietin ở chuột. Do đó, bổ sung kẽm giúp cải thiện đáp ứng với việc bổ sung sắt ở những bệnh nhân mắc một số loại thiếu máu do thiếu sắt.

5. BỔ SUNG KẼM NHƯ ĐIỀU TRỊ NGĂN NGỪA

Nhiễm trùng

Bổ sung kẽm đã được chứng minh là làm giảm tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy và viêm phổi, và kẽm làm giảm sự hình thành yếu tố hoại tử khối u alpha và các dấu hiệu stress oxy hóa ở người cao tuổi. Bổ sung kẽm cũng ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp trên ở trẻ em ở các nước đang phát triển.

Bệnh gan

Trong các nghiên cứu thực nghiệm trên động vật, người ta đã chứng minh rằng bổ sung kẽm có thể ngăn ngừa tổn thương gan cấp tính và mạn tính do rượu gây ra.

Tài liệu tham khảo

  1.   “Zink er vores vigtigste spormetal”, Ugeskriftet.dk. https://ugeskriftet.dk/videnskab/zink-er-vores-vigtigste-spormetal-0 
  2. P. Bonaventura, G. Benedetti, F. Albarède, và P. Miossec, “Zinc and its role in immunity and inflammation”, Autoimmun Rev, vol 14, số p.h 4, tr 277–285, tháng 4 2015, doi: 10.1016/j.autrev.2014.11.008.

Tìm hiểu bài viết liên quan: https://inrd.vn/

Fanpage: https://www.facebook.com/inrd2022

Tin mới

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.