Chế độ dinh dưỡng cho người rối loạn lipid máu (phần 2)

07/05/2024 - Manager Website

Rối loạn lipid máu (RLLPM) là tình trạng bệnh lý khi có một hoặc nhiều thông số lipid máu bị rối loạn (tăng cholesterol hoặc tăng triglycerid, hoặc tăng LDL-c, hoặc giảm HDL-c…). RLLPM là bệnh mãn tính không lây phổ biến và là yếu tố nguy cơ của các bệnh lý tim mạch. Ngoài điều trị dùng thuốc, chế độ ăn và thay đổi lối sống rất quan trọng trong điều trị và giảm các biến chứng của bệnh.

1. Chất béo

Giảm lượng chất béo, chất béo chỉ nên chiếm 15-20% tổng năng lượng khẩu phần.

– Năng lượng từ acid béo bão hòa không quá 7% năng lượng khẩu phần.

– Năng lượng từ acid béo trans dưới 1%.

– Lượng cholesterol tiêu thụ hàng ngày dưới 200mg.

– Dùng dầu thực vật như dầu lạc, dầu oliu, dầu đỗ tương thay cho mỡ động vật

– Omega-3 liều dược lý là 2-3g/ngày và khuyến cáo chế độ ăn có 2-3 lần ăn cá/tuần.

– Loại bỏ các thức ăn nhiều acid béo no và trans như mỡ, bơ, nước luộc thịt, thực phẩm chế biến sẵn và các thực phẩm giàu cholesterol như óc, lòng, phủ tạng, đồ hộp béo. Hạn chế các món xào, rán, tăng cường đồ luộc, hấp.

Chế độ dinh dưỡng cho người rối loạn lipid máu

2. Tinh bột

– Thay thế acid béo no bằng lượng năng lượng từ glucid có tác dụng tốt với nguy cơ mắc bệnh vữa xơ động mạch.

– Tuy nhiên, tiêu thụ quá nhiều lượng carbohydrate có thể gây ra những tác động tiêu cực lên nồng độ triglycerid và HDL-C. Bên cạnh đó, chế độ ăn carbohydrate thấp cũng không mang lại hiệu quả trong việc giúp kiểm soát mỡ máu. Nghiên cứu phân tích gộp trên đối tượng cho kết quả nhóm có năng lượng từ carbohydrate so với năng lượng tổng số >70% và <40% có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn, nhóm có nguy cơ thấp nhất với năng lượng từ carbohydrate từ 45-55% . 

– Dạng glucid sử dụng rất quan trọng và nên dùng glucid dạng phức hợp. Sử dụng ngũ cốc kết hợp với khoai củ nhiều chất xơ và chất chống oxy hóa, ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, gạo lật nẩy mầm, bánh mỳ đen,…

– Tránh thực phẩm chứa nhiều đường đơn giản và năng lượng từ đường đơn giản không nên vượt quá 10% năng lượng tổng số, bao gồm cả đường tự nhiên từ hoa quả và các  thực phẩm hằng ngày, đặc biệt với bệnh nhân đang cần giảm cân hoặc tăng triglyceride máu.

3. Chất đạm

Những nghiên cứu dịch tễ học gần đây cho thấy chế độ ăn cao protein (24% của năng lượng khẩu phần) bao gồm protein động vật và thực vật có tác dụng giảm có ý nghĩa nguy cơ của bệnh tim mạch (RR = 0.75). Protein thực vật (đậu, đỗ…) giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch còn protein động vật có mối liên quan đến acid béo no và cholesterol. Nên sử dụng thịt ít béo và sản phẩm từ sữa để thay thế chất béo.

4. Chất xơ

Chất xơ góp phần làm giảm cholesterol máu qua 2 cơ chế: 

– Chất xơ liên kết với các acid mật, làm giảm hấp thu cholesterol và triglyceride.

– Vi khuẩn trong ruột kết lên chất xơ để tạo ra axetat, propionat và butyrat, những chất này ức chế tổng hợp cholesterol.

Chất xơ góp phần làm giảm cholesterol máu
Chất xơ góp phần làm giảm cholesterol máu

Những hiệu quả trên là cơ sở để đưa ra khuyến nghị tăng tiêu thụ các thực phẩm giàu chất xơ. Hội Dinh dưỡng lâm sàng của Hoa Kì đã khuyến cáo mọi người tiêu thụ đủ chất xơ đa dạng các thức ăn nguồn gốc thực vật bao gồm chất xơ từ rau quả và vỏ của các hạt ngũ cốc. Những khuyến cáo chung khuyên nên ăn 20-35g chất xơ/ngày hoặc 10-33g/1000 kcal. Tuy nhiên chế độ ăn thường không cung cấp đủ lượng chất xơ này, do đó cần đảm bảo tối thiểu 300g rau/ngày và 100g quả/ngày.

Chất xơ, đặc biệt là chất xơ hòa tan, có trong có loại đậu, trái cây, rau và ngũ cốc (yến mạch) có tác dụng hạ cholesterol máu.

5. Vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa

Các nghiên cứu đã cho thấy về vai trò của các vitamin, khoáng có tác dụng chống oxy hóa trong phòng ngừa các bệnh tim mạch, quá trình xơ vữa động mạch. Các quan sát cho thấy chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa giúp làm giảm 20 – 40% nguy cơ bệnh mạch vành.

Lựa chọn thực phẩm:

  • Thức ăn giàu Vitamin E: giá đỗ, dầu thực vật
  • Thức ăn giàu beta-caroten: cà rốt, bí đỏ, gấc, đu đủ  chín, xoài, rau màu xanh thẫm
  • Thức ăn giàu vitamin: các loại rau quả nói chung
  • Thức ăn giàu Selen: rau ngót, rau muống, cải bắp…
  • Một số thành phần đặc biệt: flavonoid có trong nước chè xanh, làm mất tác dụng của các gốc tự do. Isoflavon hoặc estrogen thực vật trong đậu tương làm giảm đáng kể cholesterol toàn phần, LDL và triglyceride.

6. Lời khuyên dinh dưỡng

  • Ăn đa dạng các loại thực phẩm (15-20 thực phẩm trong ngày)
  • Ăn từ 3-4 bữa/ngày. Nên ăn đều đặn, không để quá đói, vì nếu bị quá đói sẽ ăn nhiều trong bữa ăn sau làm tích lũy mỡ nhanh hơn.
  • Không ăn vào lúc tối muộn trước khi đi ngủ
  • Uống đủ nước 2-2,5 lít/ngày.

Tài liệu tham khảo:

[1] TS. N. T. H. TS. Nguyễn Thị Lâm, Dinh dưỡng điều trị bệnh tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu và đái tháo đường. Viện Dinh dưỡng: Nhà xuất bản y học, 2004.

Website: https://inrd.vn/

Fanpage: https://www.facebook.com/inrd2022

Tin mới

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.