Natri và các bệnh tim mạch

21/05/2024 - Manager Website

Natri là một khoáng chất và chất dinh dưỡng thiết yếu được sử dụng trong chế độ trên toàn thế giới và rất quan trọng để duy trì lượng máu và huyết áp thích hợp. Các thử nghiệm lâm sàng dịch tễ học, quan sát và có đối chứng chứng minh rằng lượng natri tăng lên có mối liên quan chặt chẽ đến tăng huyết áp cũng như tăng nguy cơ mắc các biến chứng của tăng huyết áp như bệnh tim mạch, suy thận, đột quỵ… Giảm natri trong khẩu phần không chỉ làm giảm huyết áp và tỷ lệ tăng huyết áp, mà còn làm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh tim mạch, không phân biệt giới tính và dân tộc.

1. Vai trò của natri

Natri là chất điện giải chính có vai trò điều hòa áp lực thẩm thấu và cân bằng thể dịch, cân bằng acid-base, hoạt động điện sinh lý trong cơ, thần kinh và chống lại các yếu tố gây sức ép đối với hệ thống tim. Ngoài ra, cùng với Kali và Clo, Na rất cần thiết cho quá trình vận chuyển tích cực các chất chuyển hóa qua màng tế bào như chuyển hóa glucose và trao đổi ion Na của tế bào.

Vai trò của natri
Vai trò của natri

2. Cân bằng natri nội môi

Natri là một cation không thể thiếu, cần thiết cho điện thế hoạt động của tất cả các tế bào trong cơ thể, và sự cân bằng đồng nhất của nó được điều chỉnh sinh lý chặt chẽ.

Ở người khỏe mạnh, gần như 100% Na ăn vào được hấp thu trong quá trình tiêu hóa và bài tiết qua nước tiểu là cơ chế cơ bản để duy trì cân bằng Na. 

Natri bị mất với một lượng nhỏ qua nước tiểu, phân và da trong điều kiện bình thường và rất hiếm khi cơ thể thiếu Natri. Khi bị tiêu chảy, nôn, hoạt động mạnh, thời tiết nóng, Natri cùng với dịch bị mất qua phân và da đáng kể. Natri niệu xảy ra khi thận mất chức năng hấp thu lại Na trong hội chứng thận, suy thận,… hoặc sử dụng các thuốc dẫn đến làm hạ natri máu.

3. Chế độ ăn nhiều natri làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Cơ chế phân tử

Chế độ ăn nhiều natri có liên quan đến tăng biểu hiện của chuỗi nặng β-myosin, giảm biểu hiện của chuỗi nặng α/β-myosin, tăng yếu tố tăng cường myocyte 2 / yếu tố nhân của hoạt động phiên mã tế bào T được kích hoạt và tăng biểu hiện kinase 1 cảm ứng muối, dẫn đến thay đổi hiệu suất cơ học của cơ tim. Chế độ ăn nhiều natri cũng có liên quan đến sự thay đổi các protein khác nhau chịu trách nhiệm về cân bằng nội môi canxi và co bóp cơ tim.

Cơ chế làm tăng huyết áp

Nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng sự thay đổi nồng độ natri trong huyết tương không chỉ tác động lên các động mạch có sức cản nhỏ mà còn có thể ảnh hưởng đến chức năng và cấu trúc của các động mạch đàn hồi lớn. 

Khẩu phần Na+ cao làm suy giảm chức năng nội mô do giảm sinh khả dụng của NO- một chất giãn mạch được dùng trong chống các cơn co thắt ngực. Chế độ ăn muối cũng làm tăng endothelin-1 và arginine vasopressin, hai chất co mạch mạnh. 

Ngoài việc tăng stress oxy hóa, nồng độ Na+ cao có thể làm giảm cơ chế bảo vệ chống oxy hóa. Tăng natri máu dẫn đến suy thoái glycocalyx nội mô, cũng có thể góp phần làm suy giảm khả năng đáp ứng của nội mô đối với stress và các chất chủ vận giãn mạch.

Chế độ ăn nhiều muối cũng làm tăng huyết áp qua điều chỉnh sự bài tiết ở thận. Thông thường, hàm lượng Na + trong chế độ ăn uống cao sẽ ngăn chặn hệ thống renin-angiotensin-aldosterone (RAAS), góp phần làm giảm tái hấp thu Na+ để đáp ứng với việc dư thừa Na+. Tuy nhiên cơ chế này trở về bình thường trong vài ngày và về lâu dài có thể gây tổn thương thận, gây giữ nước và tăng thể tích dịch nội môi.

Nhìn chung, tiêu thụ nhiều natri trong khẩu phần gây tăng huyết áp do:

– Tăng độ cứng thành mạch

– Tăng sức cản mạch ngoại vi

– Tăng co mạch

– Tăng thể tích dịch 

Tăng huyết áp (THA) là nguyên nhân hàng đầu gây ra các biến chứng về tim và mạch máu. Áp lực cao của máu lên thành động mạch có thể làm cứng động mạch, làm giảm lưu lượng máu và oxy đến tim, tăng sức cản ngoại vi dẫn đến tim phải làm việc nhiều hơn. Điều này gây ra các cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim,… Các nghiên cứu đã chỉ ra, THA là nguy cơ độc lập hàng đầu cho các bệnh về tim mạch. THA có thể dẫn đến phình hoặc phình tách thành động mạch, các bệnh động mạch ngoại vi, đột quỵ,… THA làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch máu não và đột quỵ cao hơn bảy lần so với những người không cao huyết áp.

Cơ chế gây phì đại thất trái

Không phụ thuộc vào tăng huyết áp, chế độ ăn nhiều Na+ có thể làm tăng khối lượng và độ dày thành tâm thất trái. Thiếu ức chế nồng độ aldosterone thích hợp trên khối lượng thành tâm thất trái được cho là tương tác tiềm tàng giữa nồng độ Na cao và tăng tái tạo lại tâm thất trái.

4. Nguy cơ mắc các bệnh tim mạch tăng theo lượng muối ăn

Các nghiên cứu đã tìm ra mối quan hệ tuyến tính giữa lượng Na+ trong chế độ ăn và các biến cố tim mạch. Cứ tăng 1.000 mg Na+ /ngày làm gia tăng 17% các biến cố tim mạch. Một số nghiên cứu dịch tễ học đã chứng minh mối liên quan giữa lượng muối ăn trong chế độ ăn và béo phì, một yếu tố nguy cơ độc lập mạnh đối với bệnh tim mạch và mối liên hệ phổ biến được cho là thực phẩm đã qua chế biến. Na thường có nhiều trong thực phẩm đã qua chế biến hoặc chế biến sẵn và các loại gia vị. 

Nguy cơ mắc các bệnh tim mạch tăng theo lượng muối ăn
Nguy cơ mắc các bệnh tim mạch tăng theo lượng muối ăn

Nhu cầu tiêu thụ Na cần thiết cho hoạt động bình thường của cơ thể được ước tính thường chỉ từ 200-500mg/ngày. Tuy nhiên số liệu từ các nước trên thế giới đều cho thấy mức tiêu thụ Na trung bình quần thể đều cao hơn nhu cầu sinh lý tối thiểu.

Năm 2012, Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra Hướng dẫn về khẩu phần Na cho người trưởng thành và trẻ em khuyến cáo mức giảm tiêu thụ Na cho người trưởng thành (≥ 16 tuổi, có hoặc không mắc tăng huyết áp, kể cả phụ nữ có thai và cho con bú) để giảm huyết áp và nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ và bệnh mạch vành tim với mức giảm là <2g Na/ngày tương đương với 5g muối/ngày. Khuyến cáo này không áp dụng cho người bệnh hoặc đang dùng thuốc giảm Na máu hoặc trong tình trạng phù cấp tính hoặc đang theo chế độ ăn điều trị.

Tài liệu tham khảo

[1] A. T. Robinson, D. G. Edwards, và W. B. Farquhar, “The Influence of Dietary Salt Beyond Blood Pressure”, Curr Hypertens Rep, vol 21, số p.h 6, tr 42, tháng 4 2019, doi: 10.1007/s11906-019-0948-5.

[2] “Guideline: sodium intake for adults and children”. https://www.who.int/publications-detail-redirect/9789241504836 (truy cập 5 Tháng Mười-Một 2022).

[3] Lê Danh Tuyên, Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam. Viện Dinh dưỡng Quốc Gia, 2016.

Website: https://inrd.vn/

Fanpage: https://www.facebook.com/inrd2022

Tin mới

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.