VAI TRÒ CỦA DINH DƯỠNG TRONG PHÒNG VÀ ĐIỀU TRỊ TĂNG HUYẾT ÁP P2

03/04/2023 - Manager Website

I. CÁC CHẤT DINH DƯỠNG LIÊN QUAN ĐẾN TĂNG HUYẾT ÁP

5. Chất béo trong khẩu phần

Số lượng và loại chất béo trong chế độ ăn uống từ lâu đã liên quan đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, trong đó có tăng huyết áp.

Các nghiên cứu cho thấy có mối tương quan dương tính giữa axit béo no và huyết áp. Trong thử nghiệm lâm sàng cho thấy khi giảm tổng số chất béo từ 38 – 40% năng lượng khẩu phần xuống 20 – 25% hoặc tăng tỷ lệ giữa chất béo không no và chất béo no từ 0,2 lên 1 cho thấy huyết áp giảm rõ ràng.

Các nghiên cứu cho thấy có mối tương quan dương tính giữa axit béo no và huyết áp
Các nghiên cứu cho thấy có mối tương quan dương tính giữa axit béo no và huyết áp

Khi bổ sung cá, dầu cá, dầu ngô cũng cho kết quả giảm huyết áp. Người ta cho rằng đó là vai trò của các acid béo không no n-3 và n-6. Các acid béo không bão hòa đa liên quan đến chức năng giãn mạch bằng cách mở các kênh kali kích hoạt canxi và tăng khả dụng sinh học NO.

Cholesterol và triglycerid máu là các thành phần chất béo ở trong máu. Chế độ ăn nhiều cholesterol là nguyên nhân chủ yếu của quá trình xơ vữa động mạch. Nồng độ cholesterol máu cao dần dần làm hẹp lòng các động mạch cung cấp máu cho tim và các cơ quan khác trong cơ thể. Động mạch bị xơ vữa sẽ kém đàn hồi và cũng chính là yếu tố gây tăng huyết áp. 

6. Carbohydrate

Số lượng, chất lượng carbohydrate đều có ảnh hưởng đến huyết áp.

Các nghiên cứu về lượng carbohydrate không có kết luận rõ ràng, nhưng chế độ ăn ít carbohydrate có thể liên quan đến việc hạ huyết áp.  

Chất lượng carbohydrate liên quan đến các chỉ số đường huyết, tải lượng đường huyết có trong thực phẩm. Đường tinh thể có trong các loại đồ uống ngọt, nước ép trái cây khi tiêu thụ quá mức sẽ làm tăng đường huyết nhanh, cung cấp thừa năng lượng, tăng nguy cơ béo phì và tăng huyết áp.

Carbohydrate chất lượng cao như ngũ cốc nguyên hạt (đặc biệt là yến mạch và lúa mạch), đậu đỗ hoặc trái cây có nhiều chất xơ (đặc biệt là các nguồn chất xơ nhớt) có chỉ số đường huyết và tải trọng thấp, làm giảm các yếu tố nguy cơ chuyển hóa tim mạch trung bình trong các thử nghiệm ngẫu nhiên và có liên quan đến việc giảm cân và giảm tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch và tử vong do tim mạch trong các nghiên cứu thuần tập tiền cứu.

7. Rượu

Các nghiên cứu quan sát cho thấy uống nhiều rượu có liên quan đến tăng áp lực thành mạch và tỷ lệ tăng huyết áp cao. Những người đàn ông uống rượu trên 3 – 5 lần/ ngày và phụ nữ uống trên 2 – 3 lần/ ngày có nguy cơ bị tăng huyết áp nhưng dưới mức này thì không thấy tăng nguy cơ. Ở những người tăng huyết áp, khi bỏ rượu thì huyết áp tâm thu giảm từ 4 – 8 mmHg, huyết áp tâm thu giảm ít hơn.

Uống rượu, bia quá mức là yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch nói chung và bệnh tăng huyết áp nói riêng
Uống rượu, bia quá mức là yếu tố nguy cơ gây bệnh tăng huyết áp

Uống rượu, bia quá mức là yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch nói chung và bệnh tăng huyết áp nói riêng không phụ thuộc cân nặng và tuổi tác. Đối với những người phải dùng thuốc để điều trị tăng huyết áp thì tiêu thụ cồn quá mức hoặc nghiện rượu sẽ làm mất tác dụng của thuốc hạ áp. Ngoài ra, uống rượu, bia quá mức còn gây bệnh xơ gan và các tổn thương thần kinh nặng nề khác từ đó gián tiếp gây tăng huyết áp.

II. CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG NGĂN NGỪA VÀ ĐIỀU TRỊ TĂNG HUYẾT ÁP

1. Thay đổi lối sống

Theo khuyến cáo của Phân hội Tăng huyết áp – Hội Tim mạch học Việt Nam về chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp năm 2022, các lựa chọn lối sống lành mạnh có thể ngăn ngừa hoặc trì hoãn khởi phát tăng huyết áp và có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Thay đổi lối sống là nền tảng của việc phòng ngừa và điều trị. Thay đổi lối sống bao gồm dinh dưỡng và hoạt động thể lực có thể làm hạ huyết áp và tăng tác dụng của liệu pháp hạ huyết áp. 

Áp dụng chế độ ăn uống  lành mạnh trong phòng và điều trị tăng huyết áp
Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh trong phòng và điều trị tăng huyết áp

Chế độ ăn uống lành mạnh:

Chế độ ăn giúp kiểm soát huyết áp (DASH) là chế độ ăn uống tốt nhất để giảm huyết đã được nghiên cứu/chứng minh. Tiêu thụ trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa ít béo đã giảm hàm lượng chất béo bão hoà và tổng lượng chất béo.

– Giảm cân: giảm calo và tăng hoạt động thể lực với mục tiêu tối ưu là giảm được trọng lượng cơ thể lý tưởng và kì vọng giảm 1 kg cân nặng giúp làm giảm 1 mmHg huyết áp tâm thu.

– Giảm lượng natri trong khẩu phần ăn: giảm ăn mặn, thực phẩm nhiều muối như thức ăn chế biến sẵn, hun khói,… Mục tiêu tối ưu là lượng Natri trong khẩu phần ăn hằng ngày dưới 1500 mg. Kỳ vọng giảm 1 – 3 mmHg huyết áp tâm trương cho mỗi 1000mg natri giảm ở người lớn có hoặc không có tăng huyết áp.

– Tăng lượng kali trong khẩu phần ăn: thay đổi chế độ ăn uống (ưu tiên hơn dùng dạng viên bổ sung). Mục tiêu tối ưu là 3500 – 5000 mg/ ngày. 

– Sử dụng đồ uống có cồn: giảm sử dụng đồ uống có cồn ưu tiên dùng đúng mức cho phép mỗi ngày ở người lớn.

Hoạt động thể lực:

– Tập gắng sức thể dục nhịp điệu có bằng chứng tốt nhất trong giảm huyết áp: Tập gắng sức như đi bộ nhanh, 5 – 7 lần/ tuần (30 – 60 phút/ buổi), ít nhất là 150 phút/ tuần. Khởi động dần dần và làm ấm khi bắt đầu, làm mát cuối cùng mỗi lần tập.

– Tập gắng sức có đề kháng động (ít bằng chứng mạnh): Tập thể dục như nâng tạ hoặc tập chạy, ít nhất 2 – 3 lần/ tuần. Cần có sự hướng dẫn/ giám sát của chuyên gia. Thường được sử dụng để bổ sung cho các bài tập thể dục nhip điệu. 

– Tập gắng sức có đề kháng bất động (bằng chứng ít nhất): Tập thể dục như chế độ tập luyện tay nắm, ít nhất 3 – 4 lần/ tuần.

Hoạt động thể lực cho người bệnh tăng huyết áp
Hoạt động thể lực cho người bệnh tăng huyết áp

2. Chế độ dinh dưỡng cụ thể

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chế độ ăn cần cung cấp đủ năng lượng, các vitamin và khoáng chất, ít natri, giàu kali, giàu chất xơ, giảm lượng acid béo bão hòa và tổng lượng chất béo. 

– Nhu cầu năng lượng: 30 – 35 Kcal/ kg cân nặng/ ngày.

– Protein: 15 -< 20% tổng năng lượng.

– Lipid: 20 – 25% tổng năng lượng.

Trong đó thấp acid béo bão hòa, acid béo không no nhiều nối đôi chiếm khoảng 7 -<10% tổng năng lượng. Acid béo không no một nối đôi chiếm < 15% tổng năng lượng. Chất béo đồng phân trans chiếm < 1% tổng năng lượng. Nên cung cấp lượng EPA và DHA khoảng 250 – 500mg/ ngày. Cholesterol < 200mg/ ngày.

– Glucid: tỷ lệ phù hợp với tổng năng lượng.

– Lượng chất xơ cung cấp từ khẩu phần ăn khoảng 14g/ 1000kcal. Tuy nhiên theo nhu cầu của người trưởng thành Việt Nam 2016, do điều kiện cụ thể về sinh lý, thể lực, tập quán ăn uống và nhu cầu các chất dinh dưỡng khác, lượng chất xơ khuyến nghị tối thiểu là 20 – 22g.

– Lượng natri:  1600 – < 2000 mg/ ngày.

– Cung cấp đủ vitamin và khoáng chất, đặc biệt là acid folic, vitamin B12, vitamin B6, vitamin D.

– Quản lý cân nặng bệnh nhân phù hợp, nếu bệnh nhân béo phì nên giảm cân.

Tài liệu tham khảo

[1] P. Buppasiri, P. Lumbiganon, J. Thinkhamrop, C. Ngamjarus, M. Laopaiboon, và N. Medley, “Calcium supplementation (other than for preventing or treating hypertension) for improving pregnancy and infant outcomes”, Cochrane Database Syst Rev, số p.h 2, tr CD007079, tháng 2 2015, doi: 10.1002/14651858.CD007079.pub3.

[2] M. C. Houston và K. J. Harper, “Potassium, Magnesium, and Calcium: Their Role in Both the Cause and Treatment of Hypertension”, J Clin Hypertens (Greenwich), vol 10, số p.h 7, tr 3–11, tháng 8 2008, doi: 10.1111/j.1751-7176.2008.08575.x.

[3] B. Zhou, P. Perel, G. A. Mensah, và M. Ezzati, “Global epidemiology, health burden and effective interventions for elevated blood pressure and hypertension”, Nat Rev Cardiol, tr 1–18, tháng 5 2021, doi: 10.1038/s41569-021-00559-8.

[4] “Sodium, potassium, body mass, alcohol and blood pressure: the INTERSALT Study. The INTERSALT Co-operative Research Group”, J Hypertens Suppl, vol 6, số p.h 4, tr S584-586, tháng 12 1988.

[5] Hall W. L., “Dietary saturated and unsaturated fats as determinants of blood pressure and vascular function”, Nutrition Research Reviews, vol 22, số p.h 1, tr 18–38, tháng 6 2009, doi: 10.1017/S095442240925846X.

[6] TS. N. T. H. TS. Nguyễn Thị Lâm, Dinh dưỡng điều trị bệnh tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu và đái tháo đường. Viện Dinh dưỡng: Nhà xuất bản y học, 2004.

[7] “Khuyến cáo chẩn đoán và điều trị Tăng huyết áp VNHA/VSH 2021 | Phân hội Tăng huyết áp Việt Nam”. https://tanghuyetap.vn/bai-viet/2021-12-06/khuyen-cao-chan-doan-va-dieu-tri-tang-huyet-ap-vnhavsh-2021 (truy cập 9 Tháng Chạp 2022).

[8] “Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh tăng huyết áp”. http://viendinhduong.vn/vi/tin-tuc/che-do-dinh-duong-cho-nguoi-benh-tang-huyet-ap.html (truy cập 17 Tháng Năm 2022).

Tìm hiểu bài viết liên quan: https://inrd.vn/

Fanpage: https://www.facebook.com/inrd2022

Tin mới

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.