BIẾNG ĂN Ở TRẺ EM

27/03/2023 - Manager Website

Biếng ăn là vấn đề phổ biến ở trẻ em, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bệnh lý hoặc tâm lý. Tuy nhiên biếng ăn ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng của trẻ cũng như chất lượng cuộc sống của gia đình. Tìm hiểu về nguyên nhân biếng ăn và có cách xử trí đúng khi trẻ biếng ăn rất quan trọng để giải quyết triệt để vấn đề này.

1. BIỂU HIỆN BIẾNG ĂN

Biếng ăn dùng để chỉ những đứa trẻ từ chối một số loại thực phẩm hoặc các nhóm thực phẩm mà cha mẹ nghĩ là thích hợp hoặc cần thiết cho sự phát triển của trẻ. 

Biểu hiện biếng ăn ở trẻ em
Biểu hiện biếng ăn ở trẻ em

Một số biểu hiện được coi là biếng ăn là:

  • Khi trẻ không chịu ăn đủ số lượng thức ăn cần thiết do sự mất ngon miệng.
  • Thời gian ăn thường kéo dài hơn bình thường (quá 30 phút, có thể đến 1-2 tiếng/ bữa ăn)
  • Trẻ thường chỉ ăn một số ít loại thức ăn (khẩu vị hạn hẹp).

Biếng ăn có thể chia làm các dạng:

Nhận định sai của người chăm sóc (do quan tâm quá mức). Trẻ vẫn có sự phát triển phù hợp theo lứa tuổi mặc dù có thể có kích thước nhân trắc nhỏ (vẫn nằm trong giới hạn).

Trẻ hiếu động, ít quan tâm đến ăn:

  • Trẻ khỏe mạnh, lanh lợi, hiếu động
  • Trẻ thích việc chơi và giao tiếp với mọi người nhưng ít thể hiện quan tâm đến ăn uống
  • Trẻ dễ lơ đãng trong khi ăn uống, khó giữ yên tại bàn hoặc ghế.

Trẻ thờ ơ, lãnh đạm ít quan tâm đến ăn

  • Trẻ ít có cảm giác ngon miệng và ăn ít
  • Trẻ có biểu hiện lãnh đạm, thờ ơ, ít giao tiếp bằng lời (cười, nói) và không lời (ánh mắt, cử chỉ) với người cho ăn.

Ác cảm với thức ăn (quá kén chọn)

  • Trẻ kiên quyết từ chối một số món ăn
  • Trẻ có thể trở nên lo lắng nếu bị ép ăn các thực phẩm không thích.

Sợ ăn

  • Trẻ có biểu hiện sợ hãi khi biết sắp phải ăn, chống lại việc cho ăn bằng cách khóc, co người hoặc từ chối mở miệng.
  • Ám ảnh việc ăn uống khi đã trải qua một sự cố đáng sợ về ăn uống.

Biếng ăn do bệnh lý: trẻ ít thấy ngon miệng và giảm ăn uống do bệnh.

2. NGUYÊN NHÂN GÂY BIẾNG ĂN VÀ HẬU QUẢ

2.1 BỆNH LÝ

– Tại chỗ: do đau trong viêm loét tại niêm mạc lưỡi, miệng, họng

– Toàn thân: các bệnh nhiễm trùng như viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, suy dinh dưỡng, thiếu máu, còi xương cấp làm ức chế các enzyme tiêu hóa.

2.2 SAI LẦM TRONG THỰC HÀNH CHẾ ĐỘ ĂN

– Tâm lý: không khí căng thẳng hoặc bị ép ăn quá thô bạo.

– Chế độ ăn không đa dạng gây thiếu các enzyme tiêu hóa hoặc thiếu các vitamin hay các yếu tố vi lượng cấu thành nên các enzyme đó.

– Sắp xếp thời gian các bữa chưa hợp lý

– Món ăn chế biến không ngon, không hấp dẫn.

2.3 HẬU QUẢ

Biếng ăn lâu ngày có thể dẫn đến vòng xoắn bệnh lý:

Biếng ăn gây ra thiếu các chất dinh dưỡng quan trọng, các chất dinh dưỡng này lại ảnh hưởng đến khẩu vị, khả năng hấp thu của trẻ càng làm trẻ biếng ăn và suy dinh dưỡng nặng hơn. Khi trẻ suy dinh dưỡng lại dễ mắc các bệnh nhiễm trùng và càng biếng ăn hơn sau các đợt bệnh.

Biếng ăn lâu ngày có thể dẫn đến vòng xoắn
Biếng ăn lâu ngày có thể dẫn đến vòng xoắn bệnh lý

Không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất mà còn để lại những hậu quả nặng nề về tâm lý của trẻ do bị la mắng, ép buộc nhiều và tâm lý của cha mẹ do lo lắng, đặc biệt là ở những bà mẹ đang cho con bú, có thể dẫn đến giảm chất lượng sữa.

3. CÁCH XỬ TRÍ KHI TRẺ BIẾNG ĂN

3.1 TRẺ CÒN BÚ MẸ

Cho trẻ bú nhiều lần hơn nếu thời gian bú mỗi lần ít hơn bình thường. Nếu trẻ không ngậm bú, mẹ cần vắt sữa vào cốc rồi dùng thìa cho con uống.

Cho trẻ bú nhiều lần hơn nếu thời gian bú mỗi lần ít hơn bình thường
Cho trẻ bú nhiều lần hơn nếu thời gian bú mỗi lần ít hơn bình thường

3.2 TRẺ LỚN HƠN, ĐÃ ĂN BỔ SUNG

Về chế độ ăn:

– Nên cho ăn các loại thức ăn mềm, đa dạng, dễ tiêu hóa, bắt mắt.

– Chia thành bữa nhỏ, mỗi bữa không quá 30 phút.

– Thay đổi thức ăn và cho trẻ ăn những loại thức ăn trẻ tỏ ra thích hơn để khuyến khích trẻ ăn được nhiều

– Lựa chọn những loại thức ăn giàu dinh dưỡng giúp trẻ nhanh hồi phục và bắt kịp tăng trưởng như: 

  • Thực phẩm giàu chất đạm: sữa mẹ, sữa bò, sữa đậu tương, trứng, thịt, cá,…
  • Thực phẩm giàu chất béo: cho ăn cả dầu thực vật và mỡ thực vật, đặc biệt là mỡ gà vì chứa acid béo tốt cho sự hấp thu.
  • Nước, nước hoa quả tươi, trái cây để cung cấp đủ các vitamin và các chất vi lượng cho trẻ.

– Tránh cho trẻ ăn các thực phẩm nguyên hạt, khó tiêu như ngô, thấp năng lượng mà chiếm dung lượng lớn như miến, khoai.

– Nếu không có tổn thương bệnh lý, có thể bổ sung men tiêu hóa enzyme và vitamin, chất khoáng có vai trò kích thích tiêu hóa như kẽm.

– Tẩy giun thường xuyên, giữ vệ sinh răng miệng, điều trị nhiễm trùng nếu có.

Về cách cho trẻ ăn 

– Loại bỏ những tác nhân gây xao nhãng trong bữa ăn.

– Chăm sóc tâm lý: tìm nguyên nhân cùng cha mẹ, khuyến khích, không bắt buộc, tạo không khí thỏa mái cho trẻ, có thể cho trẻ tự xúc, đưa đồ ăn ra ít một để tạo sự thích thú.

Tài liệu tham khảo

[1] Lê Thị Hương và Lưu Thị Mỹ Thục, Dinh dưỡng trong điều trị nhi khoa. Trường Đại học Y Hà Nội: Nhà xuất bản Y học, 2020.

Tìm hiểu bài viết liên quan: https://inrd.vn/

Fanpage: https://www.facebook.com/inrd2022

Tin mới

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.