Còi xương là bệnh loạn dưỡng xương do thiếu vitamin D, hoặc do rối loạn chuyển hóa vitamin D trong cơ thể làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thu và chuyển hóa calci, phospho. Bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi khi hệ xương đang phát triển mạnh.
1. NGUYÊN NHÂN CÒI XƯƠNG
Thiếu tiếp xúc ánh sáng mặt trời:
Tia cực tím giúp tổng hợp vitamin D nội sinh. Đây là nguyên nhân hay gặp nhất bởi thói quen kiêng cữ, phong tục tập quán, tâm lý lo sợ trẻ tiếp xúc nắng sớm sẽ hay bị ốm. Ngoài ra, còn do yếu tố địa lý, khí hậu, mùa đông, vùng núi sương mù, nhà cửa ẩm thấp, chật chội. Tuy nhiên, không có ngưỡng tiếp xúc với tia cực tím an toàn nào cho phép tổng hợp đủ vitamin D trong toàn bộ dân số mà không làm tăng nguy cơ ung thư da.
Sai lầm trong chế độ ăn uống của trẻ:
+ Cho trẻ dưới 1 tuổi ăn sữa bò nguyên chất thay vì sữa mẹ: Sữa bò nguyên chất có lượng vitamin D thấp và khó hấp thu hơn sữa mẹ.
+ Cho trẻ ăn sớm và quá nhiều chất bột, đạm gây tình trạng toan chuyển hóa, tăng thải canxi qua thận.
+ Cho trẻ ăn quá ít dầu/mỡ: vitamin D là vitamin tan trong chất béo, do đó cần dầu/mỡ để hấp thu.
Các yếu tố thuận lợi làm tăng nguy cơ:
+ Tuổi: tuổi càng nhỏ càng có nguy cơ còi xương. Trẻ dưới 1 tuổi dễ có nguy cơ còi xương vì hệ xương phát triển mạnh nhất.
+ Trẻ đẻ non, thấp cân, sinh đôi,… vì thiếu dự trữ trong thời kì bào thai hoặc trẻ béo phì.
+ Trẻ bị bệnh nhiễm khuẩn, bệnh mạn tính, rối loạn tiêu hóa kéo dài làm giảm hấp thu vitamin D.
+ Mẹ thiếu vitamin D trong thời kì mang thai và cho con bú.
2. TRIỆU CHỨNG CỦA CÒI XƯƠNG
– Các biểu hiện ở hệ thần kinh:
+ Trẻ kích thích, quấy khóc, khó ngủ, hay giật mình
+ Trẻ ra mồ hôi nhiều ngay cả khi trời mát, rõ rệt vào ban đêm (mồ hôi trộm)
+ Rụng tóc gáy (dấu hiệu bò liếm do trẻ ra mồ hôi nhiều)
+ Đối với còi xương cấp tính có thể có biểu hiện hạ cơn calci máu: thở rít thanh quản, cơn khóc lặng, hay nôn, chớ, nấc khi ăn, có thể co giật.
+ Chậm phát triển vận động, chậm biết lẫy, biết bò.
– Các biểu hiện ở xương:
+ Thóp chậm liền, bờ thóp mềm, bướu trán, bướu đỉnh
+ Chậm mọc răng, răng hay bị sâu, mọc lộn xộn
+ Lồng ngực hình ngực gà, chuỗi hạt sườn
+ Vùng cổ tay, cổ chân, xương chi cong
– Biểu hiện toàn thân: nếu không được điều trị, trẻ chán ăn, suy dinh dưỡng, thiếu máu.
3. ĐIỀU TRỊ CÒI XƯƠNG
3.1 BỔ SUNG VITAMIN D
– Liều lượng:
+ Cho trẻ: Vitamin D (chế phẩm vitamin D2 và D3): 2000 IU/ngày kéo dài từ 3 tháng trở lên.
+ Nếu trẻ có nhiễm khuẩn hoặc tiêu chảy: Dùng liều cao 10.000 IU/ngày trong 10 ngày.
+ Nếu trẻ không uống đều hoặc trường hợp nặng: dùng liều duy nhất 200.000 IU.
– Loại chế phẩm:
+ Để điều trị hàng ngày, cả D2 và D3 đều có hiệu quả như nhau.
+ Khi sử dụng liều lượng lớn duy nhất, D3 dường như được ưa chuộng hơn so với D2 vì có thời gian bán hủy dài hơn.
– Đường dùng: Khuyến cáo điều trị bằng đường uống để phục hồi mức 25 OH D nhanh hơn so với điều trị bằng đường tiêm bắp.
3.2 BỔ SUNG CALCI
Đảm bảo lượng calci hàng ngày (qua chế độ ăn uống hoặc bổ sung) ít nhất là 500 mg ( lượng canxi nguyên tố) trong thời gian điều trị.
Ngoài calci và vitamin D, cần lưu ý những chất dinh dưỡng khác có ảnh hưởng đến sự hấp thu và sử dụng calci như:
+ Vitamin K2: vitamin K2 kích hoạt osteocalcin một loại protein giúp gắn canxi vào xương, từ đó làm tăng mật độ xương. Do đó vitamin K cần thiết để định hướng được calci vào xương, và ngăn calci lắng đọng tại các mô mềm, như tại các động mạch, thận.
+ Vitamin C cần thiết để tạo collagen, một protein chủ yếu của xương.
+ Magie: đóng vai trò giúp cơ thể xây dựng các tế bào xương mới, tăng mật độ khoáng xương và thúc đẩy hấp thụ, sử dụng và đào thải calci do đó góp phần giúp xương và răng khỏe mạnh. Ngoài ra magie còn phòng lắng đọng calci gây sỏi thận.
3.3 TẮM NẮNG
Không có bằng chứng chắc chắn để giải thích cho các sự khác nhau giữa các quần thể về độ tuổi, màu da, vĩ độ, thời gian trong ngày và thời gian trong năm, hiện tại việc đưa ra lời khuyên mang tính quy định về việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời an toàn cho toàn bộ dân số là không thực tế.
3.4 NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG TRONG ĐIỀU TRỊ CÒI XƯƠNG
– Cho trẻ bú mẹ
– Đảm bảo nhu cầu protein, năng lượng và các vi chất dinh dưỡng
– Ăn bổ sung đủ 4 nhóm thực phẩm: chất bột, đạm, mỡ, rau củ quả, chú ý đảm bảo đủ lượng dầu/mỡ.
– Chọn thực phẩm giàu calci, vitamin D.
4. PHÒNG BỆNH CÒI XƯƠNG
– Với mẹ:
+ Dinh dưỡng đầy đủ trong thời kì mang thai và cho con bú.
+ Cần tránh tình trạng thiếu vitamin D ở người mẹ bằng cách đảm bảo rằng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đáp ứng lượng tiêu thụ 600 IU/ngày theo khuyến nghị của IOM.
+ Phụ nữ mang thai nên được bổ sung 600 IU/ngày vitamin D, tốt nhất là ở dạng kết hợp với các vi chất dinh dưỡng được khuyến nghị khác như sắt và axit folic.
– Với con:
+ Tốt nhất là bú mẹ. Tuy nhiên hàm lượng vitamin D trong sữa mẹ cũng rất thấp, do đó các tổ chức khuyến cáo nên cho trẻ bổ sung vitamin D càng sớm càng tốt, đặc biệt là trẻ sinh non có nguy cơ cao thiếu vitamin D. Phòng bệnh bằng vitamin D từ 400-1800 IU/ngày cho tất cả trẻ từ sơ sinh đến 12 tháng tuổi. Trẻ thấp còi cần 1500 – 1600 IU/ngày kèm calci và phospho.
+ Sau giai đoạn cai sữa vẫn tiếp tục uống sữa công thức tối thiểu 300 ml/ngày
+ Thức ăn dặm của trẻ cần đầy đủ dầu/mỡ để hấp thu vitamin D tốt nhất.
Tài liệu tham khảo
[1] C. F. Munns và c.s., “Global Consensus Recommendations on Prevention and Management of Nutritional Rickets”, HRP, vol 85, số p.h 2, tr 83–106, 2016, doi: 10.1159/000443136.
[2] Lê Thị Hương và Lưu Thị Mỹ Thục, Dinh dưỡng trong điều trị nhi khoa. Trường Đại học Y Hà Nội: Nhà xuất bản Y học, 2020.
Tìm hiểu bài viết liên quan: https://inrd.vn/
Fanpage: https://www.facebook.com/inrd2022