Sinh non là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ sơ sinh trên toàn thế giới trong ít nhất một thập kỷ, nhưng hiện nay cũng đã trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em cho đến 5 tuổi.
Trẻ sinh không đủ tháng gặp những bất lợi về sự phát triển sinh lý, nhận thức và có nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa cao hơn trẻ sinh đủ tháng. Dinh dưỡng tối ưu cho trẻ sinh non rất quan trọng để trẻ sinh non bắt kịp tăng trưởng so với trẻ sinh đủ tháng và giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh thường gặp ở trẻ sinh non.
1. TỔNG QUAN VỀ TRẺ SINH NON
1.1 ĐỊNH NGHĨA
– Trẻ sinh non là những trẻ sinh ra trước 37 tuần tuổi, có thể sống được.
– Trẻ sinh rất non là trẻ được sinh ra trước 32 tuần tuổi.
– Trẻ sinh cực non là những trẻ sinh ra trước 28 tuần tuổi.
– Trẻ sơ sinh có thể sống được là tất cả trẻ sinh ra sống có tuổi thai từ 22 tuần hoặc cân nặng từ 500 g.
1.2 NGUỒN DINH DƯỠNG CỦA TRẺ SINH NON
Đến 34 tuần tuổi thai, trẻ sinh non có hoạt động đường tiêu hóa chỉ bằng 30% trẻ đủ tháng.
Sữa mẹ từ mẹ của trẻ sinh non là lựa chọn nuôi dưỡng ống thông tối ưu nhất do khả năng dung nạp tốt và các thành phần dinh dưỡng, miễn dịch và kháng khuẩn, hormone và enzyme. Ngoài ra sữa mẹ còn có thể thúc đẩy sự phát triển thần kinh của trẻ.
Tuy nhiên giá trị dinh dưỡng trong sữa mẹ không đủ để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của trẻ sinh non tháng do trẻ sinh non có nhu cầu cao hơn trẻ đủ tháng. Sữa mẹ cung cấp protein, canxi, phosphor, magie, natri, đồng, kẽm, acid folic và vitamin B2, B6, C, D, E, K không đủ cho trẻ sinh non. Do đó, chỉ cho trẻ sinh non ăn hoàn toàn sữa mẹ vắt ra có thể dẫn đến tốc độ tăng trưởng chậm hơn và vòng đầu tăng ít hơn so với nuôi dưỡng bằng sữa mẹ bổ sung.
Theo ESPGHAN (Hiệp hội Tiêu hóa, Gan mật và Dinh dưỡng Nhi khoa Châu Âu – 2011), dinh dưỡng ưu tiên cho trẻ sinh non là sữa mẹ có bổ sung dinh dưỡng, tốt nhất là từ mẹ của trẻ hoặc sữa công thức dành cho trẻ sinh non. Công thức tăng cường dựa trên nguyên tắc tăng nồng độ chất dinh dưỡng đến mức đáp ứng nhu cầu của trẻ sơ sinh với khối lượng cho ăn thông thường.
2. CÁC VẦN ĐỀ THIẾU HỤT DINH DƯỠNG Ở TRẺ SINH NON
Nhiều quá trình hấp thu, chuyển hóa, dự trữ và tăng trưởng quan trọng diễn ra trong 3 tháng cuối của thai kỳ, do đó khi trẻ được sinh ra sớm hơn có thể dẫn đến thiếu hụt các chất dinh dưỡng, cân nặng sơ sinh thấp và ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ.
Nhu cầu năng lượng và protein
Trẻ sinh càng non nhu cầu năng lượng và protein trên mỗi kg cân nặng để bắt kịp tăng trưởng. Công thức sữa có đạm đậu nành không được khuyến cáo ở trẻ sinh non bởi vì khả năng hấp thu carbohydrate, protein và khoáng chất kém hơn so với các sản phẩm chứa đạm sữa bò.
Omega-3
DHA là một trong những chất béo không bão hòa đa chuỗi dài dồi dào nhất trong não và có vai trò quan trọng trong sự phát triển não bộ, bao gồm vai trò trong việc dẫn truyền thần kinh và hình thành thần kinh. Nó cũng được tìm thấy với hàm lượng cao trong hệ thống thị giác, đặc biệt là trong tế bào cảm thụ ánh sáng hình que và tế bào hạch võng mạc.
DHA đặc biệt quan trọng đối với trẻ sinh non trong hoặc trước 3 tháng cuối vì sự tích lũy DHA của thai nhi phần lớn xảy ra ở 3 tháng cuối đồng thời với sự trưởng thành của não và võng mạc. Mặc dù trẻ sinh non có khả năng tổng hợp nội sinh DHA tuy nhiên bị hạn chế.
Natri
Trẻ sinh non đặc biệt là những trẻ có cân nặng khi sinh <1500g có tỷ lệ bài tiết natri cao trong 10 đến 14 ngày sau khi sinh. Nồng độ natri thấp của sữa mẹ, sữa công thức cho trẻ đủ tháng hoặc sữa tăng cường được thiết kế để nuôi trẻ non tháng có thể dẫn đến hạ natri máu. Cần chú ý đánh giá nồng độ natri cho trẻ đẻ non ăn hoàn toàn đường tiêu hóa ở giai đoạn từ 10 – 14 ngày sau sinh.
Canxi, magie, phospho
Trẻ sinh non đòi hỏi lượng các khoáng chất này cao hơn so với trẻ đủ tháng để có thể đạt được tốc độ phát triển bình thường và khoáng hóa xương tương tự. Sữa mẹ của trẻ đẻ non thường không đáp ứng đủ nhu cầu cho trẻ.
Sắt
Do sự chuyển giao phần lớn sắt xảy ra trong ba tháng cuối của thai kỳ, trẻ sinh non có nguy cơ bị thiếu hụt đặc biệt nếu chúng không được bổ sung đầy đủ. Sữa mẹ có ít sắt (mặc dù sắt trong sữa mẹ được hấp thu dễ dàng dưới dạng lactoferrin).
Ngoài ra, sự phát triển nhanh chóng của soma và sự phát triển tế bào hồng cầu xảy ra sau khi sinh non dẫn đến nhu cầu sắt tăng lên trong thời kỳ sơ sinh. Bổ sung sắt cần thiết cho tất cả trẻ sinh non từ sau 2 tuần tuổi đến khi 12 tháng tuổi.
Kẽm
Trẻ sinh non và nhẹ cân được sinh ra với lượng dự trữ kẽm thấp, đây là nguyên tố vi lượng quan trọng cho sự phát triển, biệt hóa tế bào và chức năng miễn dịch. Trẻ sinh non có nguy cơ bị thiếu kẽm trong giai đoạn tăng trưởng nhanh sau sinh. Bổ sung kẽm qua đường ruột ở trẻ sinh non so với không bổ sung hoặc dùng giả dược có thể làm giảm tỷ lệ tử vong một cách vừa phải và có thể cải thiện tăng cân ngắn hạn và tăng trưởng tuyến tính.
Vitamin C
Cần thiết cho quá trình chuyển hóa một số acid amin nên nhu cầu có thể tăng lên do tỷ lệ chuyển hóa protein cao ở trẻ non tháng. Do đó bổ sung vitamin C vào sữa mẹ hoặc cho trẻ uống vitamin là cần thiết.
Riboflavin (vitamin B2)
Trẻ sinh non với sự cân bằng nito âm có thể làm tăng mất riboflavin trong nước tiêu và những trẻ cần điều trị chiếu đèn vàng da có thể sử dụng riboflavin trong quá trình quang hóa bilirubin. Nhiều trẻ sơ sinh, đặc biệt nếu sinh non, có lượng dự trữ riboflavin thấp khi sinh ra. Tương tự như vậy, khả năng hấp thụ của trẻ sinh non đối với riboflavin qua đường ruột cũng giảm.
Do đó, vốn dự trữ thấp và lượng riboflavin tiêu thụ thấp cộng với phương pháp chiếu đèn trị bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh sẽ gây ra sự thiếu hụt riboflavin ở giai đoạn quan trọng đối với trẻ sơ sinh.
Folate
Trẻ sinh non có nguy cơ giảm folate vì sự dự trữ ở gan bị hạn chế và tăng trưởng nhanh sau sinh.
Vitamin B12
Đồng yếu tố tham gia vào quá trình tổng hợp DNA và phân chia tế bào, do đó nhu cầu vitamin B12 ở trẻ sinh non tăng lên giống folate.
Vitamin A
Thúc đẩy tăng trưởng bình thường và sự biệt hóa các mô của trẻ. Khi mới sinh, hàm lượng vitamin A dự trữ trong gan của trẻ non tháng thấp kết hợp với giảm hấp thu dẫn đến trẻ sinh non có nguy cơ thiếu vitamin A.
Tình trạng vitamin A thấp có thể ảnh hưởng đến việc duy trì và phát triển biểu mô phổi. Loạn sản phế quản phổi (BPD) là một biến chứng thường gặp của sinh non và có liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh đáng kể. Bổ sung vitamin A đã được đề xuất như một biện pháp phòng ngừa tiềm năng chống lại BPD do vai trò của nó đối với sự trưởng thành của phổi và vì trẻ sinh non đặc biệt dễ bị thiếu vitamin A.
Vitamin D
Nồng độ 25 (OH) D huyết thanh thấp thường được thấy ở trẻ sinh non – một trong những nguyên nhân của còi xương ở trẻ và loãng xương khi trưởng thành. Quá trình hình thành và khoáng hóa xương chủ yếu xảy ra ở giai đoạn sau của thai kỳ, do vậy quá trình này có thể bị ảnh hưởng bởi sinh không đủ tháng và được khuyến nghị tăng cường bổ sung vitamin D liều cao hơn so với trẻ đủ tháng.
Vitamin K
Đóng vai trò quan trọng trong quá trình đông máu và được khuyến cáo bổ sung vitamin K cho tất cả trẻ sơ sinh để đề phòng xuất huyết não, viêm màng não,… do dự trữ vitamin K ở trẻ sơ sinh và hàm lượng trong sữa mẹ thấp.
Tài liệu tham khảo
[1] Lê Thị Hương và Lưu Thị Mỹ Thục, Dinh dưỡng trong điều trị nhi khoa. Trường Đại học Y Hà Nội: Nhà xuất bản Y học, 2020.
[2] R. K. Kumar, A. Singhal, U. Vaidya, S. Banerjee, F. Anwar, và S. Rao, “Optimizing Nutrition in Preterm Low Birth Weight Infants—Consensus Summary”, Frontiers in Nutrition, vol 4, 2017, Truy cập: 2 Tháng Mười-Một 2022. [Online]. Available at: https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fnut.2017.00020
[3] E. Staub, K. Evers, và L. M. Askie, “Enteral zinc supplementation for prevention of morbidity and mortality in preterm neonates”, Cochrane Database Syst Rev, vol 3, tr CD012797, tháng 3 2021, doi: 10.1002/14651858.CD012797.pub2.
Tìm hiểu bài viết liên quan: https://inrd.vn/
Fanpage: https://www.facebook.com/inrd2022