DINH DƯỠNG TRONG BỆNH GOUT

01/06/2023 - Manager Website

Hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh gout đang gia tăng tại Việt Nam. Gout là bệnh viêm khớp do lắng đọng các tinh thể muối urat tại các khớp, các tinh thể này có liên quan mật thiết đến chế độ ăn giàu protein. Do đó, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc khởi phát các cơn gout cấp cũng như biến chứng của bệnh.

1. TỔNG QUAN VỀ BỆNH GOUT

1.1 CƠ CHẾ BỆNH SINH

Gout là một dạng viêm khớp gây đau khớp và sưng khớp, những vết sưng thường kéo dài trong một hoặc hai tuần, sau đó biến mất. Vết sưng do bệnh gút thường bắt đầu ở ngón chân cái hoặc chi dưới.

Acid uric trong máu được tạo ra khi các sản phẩm chứa purin bị phá vỡ. Thông thường thận có thể lọc các acid uric ra khỏi máu và bài tiết vào nước tiểu. Tuy nhiên khi cơ thể sản xuất quá nhiều acid uric, có một sự tích tụ của acid uric trong máu. 

Bệnh gout xuất hiện khi nồng độ muối urat huyết thanh tích tụ trong cơ thể tăng cao. Các khớp, gân, vành tai và thận dễ lắng đọng hơn các nơi khác. Khi điều này xảy ra, các tinh thể hình thành trong khớp và xung quanh khớp. Tình trạng này dẫn đến viêm và viêm khớp. Tuy nhiên, nhiều người có nồng độ muối urat trong huyết thanh cao lại không bị bệnh gút.

1.2 TRIỆU CHỨNG

– Viêm khớp cấp tính, khởi phát thường ở khớp bàn – ngón cái, có 4 biểu hiện: sưng, nóng, đỏ, đau.

– Gout mạn tính: lắng đọng sạn urat, thường có ở vành tai, mỏm khuỷu tay, mặt trụ xương cẳng tay, gân achilles.

– Bệnh thận gout: có sạn urat ở thận, sỏi sodium urat, viêm thận kẽ.

Triệu chứng bệnh gout
Triệu chứng bệnh gout

1.3 CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ CỦA GOUT

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout:

– Nồng độ muối urat cao; tuy nhiên, không phải ai có nồng độ muối urat cao cũng đều bị bệnh gút.

– Tiền sử gia đình mắc bệnh gout.

– Tuổi càng cao càng có nguy cơ mắc bệnh gout.

– Uống rượu.

– Ăn thực phẩm giàu purin (thường có nguồn gốc từ động vật), một chất phân hủy thành muối urat.

– Uống đồ uống có hàm lượng fructose cao, chẳng hạn như soda.

– Một số bệnh lý như thừa cân hoặc béo phì, huyết áp cao và bệnh thận mãn tính.

– Giới tính: nam giới có nguy cơ cao hơn nữ giới.

– Một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu, kháng sinh,…

2. DINH DƯỠNG CHO BỆNH GOUT

2.1 MỘT SỐ YẾU TỐ DINH DƯỠNG LIÊN QUAN ĐẾN BỆNH GOUT

Yếu tố làm tăng nguy cơ

* Các thực phẩm giàu purin:

Khẩu phần chứa nhiều thịt, cá, hải sản chứa nhiều purin có thể làm tăng nguy cơ mắc gout so với khẩu phần ít thực phẩm này. Người bệnh được khuyến nghị giảm khẩu phần cá trong chế độ ăn có thể dùng acid béo omega-3 từ nguồn thực vật hoặc DHA và EPA từ nguồn bổ sung.

* Rượu và đồ uống có cồn:

Tiêu thụ rượu càng nhiều thì nguy cơ tăng acid uric máu và mắc gout càng tăng. Rượu làm gia tăng sự tạo acid uric trong gan và ngăn cản thận thải acid uric. Nguy cơ mắc gout tăng 30% khi uống 1 cốc rượu/ ngày so sánh với người không uống, uống 2 cốc/ ngày tăng nguy cơ tới 50%. Nguy cơ mắc gout tùy thuộc vào loại cồn tiêu thụ, bia có nguy cơ lớn hơn rượu do chứa nhiều purin. Tuy nhiên uống rượu vang ở mức cho phép không làm tăng nguy cơ mắc gout.

Ngoài ra còn một số loại đồ uống khác như chè, cà phê chứa một chất khi bị oxy hóa sẽ tạo thành methyl acid uric.

* Fructose: loại đường có nhiều trong quả chín này làm tăng dị hóa nucleotide loại adenine tạo ra acid uric. 

* Thừa cân, béo phì:

Tỷ lệ mắc bệnh gout tăng theo BMI >25. Khi béo phì, trọng lượng cơ thể dồn lên các khớp kèm theo thay đổi chuyển hóa do mô mỡ, dẫn đến làm tăng nguy cơ mắc gout. Các nghiên cứu cho thấy người béo phì có nguy cơ mắc gout cao gấp 4 lần so với người không bị béo phì. Một số nghiên cứu can thiệp đã chỉ ra rằng giảm cân có tác dụng giảm mức urat và nguy cơ mắc gout do giảm tổng hợp purin và giảm nguy cơ bùng phát cơn gout cấp.

* Rối loạn mỡ máu:

Tăng triglyceride, acid béo là nguy cơ độc lập với bệnh gout. Đa số các bệnh nhân có nồng độ triglyceride cao trên 200mg/dL thường có nồng độ acid uric máu tăng cao. Điều này có thể là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến bệnh thiếu máu cơ tim ở bệnh nhân gout.

Yếu tố làm giảm nguy cơ

* Thực phẩm bơ sữa:

Trong các nghiên cứu dựa trên dân số ở những người không được chẩn đoán mắc bệnh gút, việc tiêu thụ nhiều sản phẩm sữa hơn có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh gút thấp hơn và urate huyết thanh thấp hơn. Điều này được cho là do tác dụng hạ acidt uric máu có thể xảy ra từ các sản phẩm sữa. 

* Acid béo omega-3:

Acid béo không bão hòa đa omega-3 (hoặc n-3) (PUFA), axit eicosapentaenoic (EPA) và axit docosahexaenoic (DHA), được cho là có đặc tính chống viêm, do đó liên quan đến tác dụng có lợi tiềm tàng đối với bệnh gout. Một thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên nhỏ ở 30 thanh niên khỏe mạnh cho thấy lượng dầu cá (2 g; chủ yếu là DHA và EPA) hàng ngày giúp giảm đáng kể acid uric huyết thanh sau 4 và 8 tuần bổ sung. 

2.2 CHẾ ĐỘ ĂN CHO NGƯỜI BỆNH GOUT

Nhìn chung, nguyên tắc xây dựng chế độ ăn cho người bị gout là:

– Năng lượng 30-35 kcal/cân nặng lý tưởng/ngày

– Protid: 0,8-1g/ cân nặng lý tưởng/ngày.

– Lipid: 20-25% tổng năng lượng. Tỷ lệ acid béo chưa no một nối đôi: acid béo chưa no nhiều nối đôi: acid béo no= 1/3:1/3:1/3

– Uống đủ nước để thận tăng cường đào thải acid uric. Nên uống trên 1,5 lít/ngày hoặc 40 ml/kg cân nặng. Lượng nước uống sẽ phù hợp với thể trạng, giới tính, hoạt động thể lực. 

– Duy trì cân nặng lý tưởng (theo chuẩn BMI).

– Lựa chọn thực phẩm có ít purin. Các thực phẩm được chia làm ba nhóm: nhóm 1 có hàm lượng purin thấp (0-15 mg trên 100g thực phẩm), nhóm 2 chứa hàm lượng purin trung bình (50-150 mg trên 100g thực phẩm), nhóm 3 chứa hàm lượng purin cao (>150mg trên 100g thực phẩm). 

– Không dùng các thực phẩm và đồ uống có khả năng gây đợt gout cấp: rượu, cà phê, chè,…

– Số bữa ăn: 3-4 bữa/ngày

Hàm lượng purin trong thực phẩm
Hàm lượng purin trong thực phẩm

Chế độ ăn khi có cơn gout cấp

– Uống từ 2 đến 3 lít nước mỗi ngày. Nên sử dụng nước khoáng kiềm chứa bicarbonate. Lí do là vì nước sẽ giúp hòa tan acid uric và làm cho acid uric đào thải ra ngoài qua đường tiết niệu từ đó ngăn ngừa tình trạng lắng đọng tinh thể urat tại các mô của cơ thể.

– Hạn chế uống bia rượu hoặc không uống. Nếu có uống, không uống quá 1 cốc nhỏ/lần và 3 lần/tuần.

– Tránh các thực phẩm ở danh sách purin cao. Sử dụng vừa phải các thực phẩm có mức purin trung bình và ăn hàng ngày thực phẩm chứa purin thấp.

– Chỉ ăn số lượng vừa phải protein. Nguồn protein tốt là đậu phụ và các sản phẩm sữa thấp béo, với số lượng nhỏ bơ thực vật và trứng. Ăn ít thịt, cá, gia cầm (tối đa 110-170 g/ngày).

– Hạn chế chất béo trong bữa ăn bằng cách chọn thịt nạc, cá, thịt gia cầm bỏ da, sản phẩm sữa béo thấp. Tránh dùng mỡ động vật.

– Không ăn các sản phẩm rán ở nhiệt độ cao và các món tráng miệng có chất béo cao.

– Hạn chế hoạt động thể lực quá mức.

Chế độ ăn giai đoạn giữa các cơn gout hoặc gout mạn tính

– Tiếp tục uống đủ nước, ít nhất 2 lít/ngày

– Hạn chế uống đồ uống chứa cồn.

– Duy trì cân nặng nên có. Nếu thừa cân – béo phì cần giảm cân từ 0,5-1 kg/tuần. Cần tuân thủ chế độ ăn hợp lý, cân đối, giảm năng lượng ăn từ từ để giảm cân khoa học.

– Nên ăn dưới 5g muối/ ngày vì tăng huyết áp cũng làm tăng nguy cơ mắc gout.

– Tiếp tục hạn chế các thực phẩm ở danh sách purin cao. Sử dụng vừa phải các thực phẩm có mức purin trung bình và ăn hàng ngày thực phẩm chứa purin thấp.

Tài liệu tham khảo

[1]. Trường Đại học Y Hà Nội (2016). Dinh dưỡng lâm sàng – tiết chế, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.

 

Tìm hiểu bài viết liên quan: https://inrd.vn/

Fanpage: https://www.facebook.com/inrd2022

Tin mới

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.